Nền kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên nhờ sự phục hồi của tiêu dùng sau đại dịch. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của nước này vẫn bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Theo số liệu chính phủ công bố vào hôm 17.5, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1/2023, vượt xa dự báo thị trường là 0,7% và đánh dấu sự tăng trưởng đầu tiên trong 3 quý trở lại đây.
Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế, tăng 0,6% trong quý 1 so với quý trước. Mức tăng này vượt dự báo là 0,4%, nhờ việc mở cửa trở lại sau đại dịch đã thúc đẩy tiêu dùng.
Sức mạnh của tiêu dùng trong nước đã bù đắp cho lĩnh vực xuất khẩu, đã giảm 4,2% trong quý 1. Đây cũng là quý đầu tiên xuất khẩu của Nhật Bản giảm sau 6 quý tăng.
Ông Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 sẽ giúp thúc đẩy du lịch và chi tiêu. Dù vậy, kinh tế sẽ phục hồi chậm do nhu cầu bên ngoài yếu gây áp lực lên xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.
Tiêu dùng trong nước sẽ nâng đỡ nền kinh tế Nhật Bản, nhưng có một yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng, đó là lạm phát. Tỉ lệ lạm phát của Nhật Bản còn thấp nếu so với ở Mỹ hay châu Âu, nhưng đã đủ cao để khiến các hộ gia đình cảm thấy áp lực chi phí sinh hoạt.
Dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tăng 3,3% trong tháng 3, còn CPI lõi, không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm tươi sống và nhiên liệu đã tăng 3,1%.
Mức lạm phát vượt quá mục tiêu kiềm chế ở mức 2% của ngân hàng trung ương, có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng trừ khi chính phủ Nhật tiếp tục tăng lương.
Thực tế, tiền lương thực tế ở nước này đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp kể từ tháng 2. Đài CNN dẫn thống kê từ chính phủ Nhật cho thấy sau khi trừ đi lạm phát, tiền lương ở Nhật trong tháng 2 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, kể từ đầu năm, giá của hơn 14.000 loại thực phẩm ở Nhật Bản đã tăng. Một siêu thị bán buôn ở Tokyo đã tăng giá hầu hết mặt hàng thực phẩm kể từ tháng 4.
Với tình trạng này, hiện tại, người dân Nhật Bản vẫn sẽ phải cân nhắc thật kỹ khi chi tiêu, kể cả với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.
Bình luận (0)