Nhật Bản trong chiến lược tăng cường viện trợ quân sự

25/11/2023 07:05 GMT+7

Nhật Bản đang mở rộng chương trình hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) cho một số nước, bao gồm các nước Đông Nam Á, để tăng cường năng lực an ninh nhằm đối phó các thách thức đang nổi lên.

Trang The Defense Post ngày 23.11 đưa tin Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra trị giá khoảng 3,8 triệu USD cho Bangladesh. Việc cung cấp này nằm trong chương trình OSA mà Nhật Bản dành cho Bangladesh. Mới đây, khi thăm chính thức Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã công bố OSA dành cho nước chủ nhà, cụ thể là viện trợ radar trinh sát trên biển.

Nhật Bản trong chiến lược tăng cường viện trợ quân sự - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên Philippines BRP Melchora Aquino (9702) và tàu tuần duyên Nhật Bản Akitsushima (PLH-32) trong một lần huấn luyện chung ở Biển Đông vào tháng 6.2023

Reuters

Tăng cường năng lực cho "các quốc gia cùng chí hướng"

Tháng 4.2023, Nhật Bản công bố OSA như một phần quan trọng trong chiến lược an ninh mới của nước này. Trong thông cáo về OSA, Tokyo nhấn mạnh: "Khi Nhật Bản đang ở giữa môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến 2, điều cần thiết là Nhật Bản phải tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ của quốc gia, cũng như tăng cường năng lực an ninh và răn đe của các nước có cùng chí hướng. Nhằm ngăn chặn những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) và tạo ra một môi trường an ninh mong muốn cho Nhật Bản".

Từ lý do đó, Nhật Bản tuyên bố thiết lập khuôn khổ OSA để cung cấp vật tư, thiết bị cũng như hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên nhu cầu an ninh của các quốc gia.

Ngay trong năm tài chính 2023, Nhật Bản dành ra ngân sách 2 tỉ yen (gần 14 triệu USD) để thực hiện OSA cho Philippines, Bangladesh, Fiji và Malaysia. Dự kiến sang năm tài chính 2024, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách OSA lên 5 tỉ yen (khoảng 34 triệu USD) dành cho 6 quốc gia, trong đó có 3 nước Đông Nam Á.

Tập trung vào hàng hải

Trả lời Thanh Niên ngày 24.11, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) chỉ ra ý tưởng thành lập OSA xuất phát từ Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản ban hành năm 2022, nhằm mục đích duy trì và tăng cường "trật tự quốc tế tự do và cởi mở" dựa trên các quy định của pháp luật.

"Do đó, OSA này là một kiểu cân bằng sức mạnh "ngoài khơi" của Nhật Bản vì Tokyo cố gắng duy trì hiện trạng mà không trực tiếp tạo ra một liên minh quân sự với các quốc gia có cùng chí hướng", PGS Koga phân tích và đánh giá thêm: "Nói như vậy không có nghĩa là Nhật Bản có thể cung cấp bất kỳ thiết bị quân sự nào cho họ. Nhật Bản cần tuân theo các nguyên tắc về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của nước này. Nhật Bản cũng xem xét các điều kiện kinh tế và xã hội, chẳng hạn như sự tham gia dân chủ và bảo vệ nhân quyền, và quá trình này phải minh bạch. Vì vậy, rất có thể, thiết bị phòng thủ này nhằm mục đích theo dõi, giám sát trong lãnh hải và vùng trời, chống khủng bố, chống cướp biển".

"Đặc biệt, việc nâng cao năng lực nhận thức về lĩnh vực hàng hải là điều quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực nhằm bảo vệ lãnh thổ hàng hải của mình cả về các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống", ông Koga nhận định và cũng cho rằng: OSA sẽ giúp các quốc gia "có cùng chí hướng" với Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ.

Đối phó thách thức

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) phân tích: "Nhật Bản phải đối mặt với nhiều hạn chế trong việc đối phó với những thách thức an ninh ngày càng tăng ở Indo-Pacific, nên chính quyền của Thủ tướng Kishida đã thông báo tăng gấp đôi chi tiêu cho an ninh, chấm dứt 4 thập niên tuân thủ mức trần chi tiêu quốc phòng ở mức 1% GDP".

Theo ông Sato, nỗ lực tăng ngân sách an ninh chính phủ Nhật có thể khiến mức thu thuế tăng lên nên không được người dân ủng hộ. Hơn nữa, Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản phải đối mặt với hạn chế nghiêm trọng trong việc tuyển dụng nhân sự do dân số trẻ ngày càng giảm. Trong khi Nhật Bản hầu như không theo kịp mức độ rủi ro ngày càng tăng ở khu vực lân cận. Không những vậy, Nhật Bản cũng đối mặt nhu cầu cân bằng với các thách thức mới trỗi dậy và các mối đe dọa an ninh khác, đặc biệt dọc theo các tuyến hàng hải quan trọng.

Để giải quyết những thách thức này, GS Sato cho rằng điều quan trọng là Nhật Bản phải thực hiện những việc sau: Tăng cường năng lực của các quốc gia ven biển châu Á để đảm bảo an ninh cho các khu vực hàng hải; Duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ để cho phép lực lượng SDF Nhật Bản tiếp cận các căn cứ hoạt động ở vùng sâu vùng xa; Tăng cường khả năng hoạt động chung với các quốc gia châu Á có cùng chí hướng trong các tình huống bất ngờ; Xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác an ninh mà trong đó cốt lõi với liên minh Mỹ - Nhật; Đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng để các quốc gia châu Á hạn chế lệ thuộc một số đối thủ của Nhật Bản; Tạo thị trường nước ngoài cho thiết bị quốc phòng do Nhật Bản sản xuất.

"OSA đã được thành lập nhằm thúc đẩy chính sách ngoại giao an ninh của Nhật Bản hướng tới các mục tiêu này", GS Sato phân tích.

Nhật Bản trong chiến lược tăng cường viện trợ quân sự - Ảnh 2.

Ảnh: NVCC

Biển Đông trong chương trình OSA

OSA nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang và các tổ chức liên quan ở các nước tiếp nhận để tăng cường khả năng đối phó với các thách thức an ninh.

Các nước Đông Nam Á được đưa vào chương trình này vì phải đối mặt với những thách thức ở Biển Đông. Vì Biển Đông có các hàng hải với lưu lượng hàng hóa có trị giá đến 4.500 tỉ USD mỗi năm đồng thời chứa nhiều nguồn tài nguyên khác, nên Nhật Bản có mối quan tâm sâu sắc đến việc tạo dựng sự ổn định cho khu vực Biển Đông thông qua chương trình OSA.

GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.