“Nếu một biến cố lớn xảy ra [tại Đài Loan], đó sẽ không hề là điều xa lạ nếu nó đụng chạm đến tình huống đe dọa sự tồn vong. Nếu trường hợp đó xảy ra, Nhật Bản và Mỹ phải cùng bảo vệ Đài Loan”, Phó thủ tướng Taro Aso phát biểu ngày 5.7 tại Tokyo.
Theo tờ Nikkei Asia, Phó thủ tướng Aso lưu ý rằng tình hình Đài Loan đang trở nên cực kỳ căng thẳng, nhắc đến phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan đến Đài Loan trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước.
Trong bài phát biểu đó, ông Tập nhấn mạnh quyết tâm giải quyết vấn đề Đài Loan và tuyên bố “việc tái tống nhất hoàn toàn Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử và là cam kết không thể lay chuyển”.
Với những giới hạn trong hiến pháp, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) chỉ được huy động cho nhiệm vụ quốc phòng. Theo Nikkei Asia, hồi năm 2015, Nhật bản thông qua một loạt luật an ninh mới, mở rộng điều kiện để triển khai SDF, trong đó có một khái niệm liên quan đến những tình huống đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản.
Trong bài phân tích gần đây, nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Corporation cho rằng khái niệm nêu trên đồng nghĩa không nhất thiết Nhật Bản bị tấn công trực tiếp thì nước này mới triển khai SDF.
“Ví dụ, vì Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của hiệp ước an ninh, nếu Mỹ bị tấn công, đó có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Nhật Bản. Điều này cho phép Nhật Bản sử dụng vũ lực như việc thi hành phòng vệ tập thể”, ông Hornung viết.
Bình luận (0)