Nhật Bản xả 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ ra biển, Trung Quốc lên án

14/04/2021 08:49 GMT+7

Nhật Bản cho biết sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.

Ngày 13.4, chính phủ Nhật Bản thông báo kế hoạch xả thải trong khoảng 2 năm. TEPCO, nhà điều hành của nhà máy Fukushima, sẽ lọc nước để loại bỏ các đồng vị phóng xạ có hại.
Thủ tướng Yoshihide Suga lặp lại tuyên bố việc xả nước thải là cần thiết để nhà máy Fukushima ngừng hoạt động.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn, hiện đã ở mức cao hơn quy định pháp luật rồi, và toàn bộ chính phủ sẽ tiến hành các biện pháp toàn diện để chống các tin đồn gây hại. Chúng tôi đánh giá việc xả thải ra biển là một lựa chọn thực tế”, ông Suga nhấn mạnh.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trong cuộc họp Nội các về việc xả thải từ nhà máy Fukushima.

Reuters

Một đồng vị phóng xạ gây nhiều lo ngại là tritium. Rất khó để tách nó ra khỏi nước. Tuy nhiên, đồng vị này được cho là tương đối vô hại vì không phát ra đủ năng lượng để thẩm thấu vào da người.
Theo ông Suga, ngay cả khi vẫn còn đồng vị tritium, nồng độ của nó trong nước thải ra sẽ giảm xuống còn khoảng 1/7 so với tiêu chuẩn nước uống do Tổ chức Y tế Thế giới xác định.
Nhiều nhà máy khác trên thế giới cũng thường xuyên xả nước với nồng độ tritium thấp ra đại dương.

Các bể chứa nước thải khổng lồ tại nhà máy Fukushima nhìn từ trên cao xuống.

Reuters

Tuy nhiên, giới ngư dân đã phản đối việc xả thải suốt nhiều năm. Và các nước láng giềng của Nhật Bản cũng không hài lòng. Cùng ngày 13.4, Trung Quốc lên án động thái trên là “vô cùng vô trách nhiệm”. Một phát ngôn viên Hàn Quốc gọi quyết định của Nhật Bản là không thể chấp nhận được.
Kể từ sau khủng hoảng hạt nhân, Nhật Bản đã làm việc chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Bất chấp nhiều phản đối, Nhật Bản khẳng định không còn chỗ cho các bể chứa nước thải khổng lồ.
Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh đã thực hiện quá trình lọc và pha loãng.
Trong email gửi đến các cơ quan truyền thông hôm 12.4, một phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu không sử dụng cụm từ “thải” khi phóng viên đưa tin vì nguy cơ gây hiểu lầm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.