Nhặt chuyện văn nhân: Gặp tác giả 'Bến không chồng' ở trại sáng tác

01/03/2022 06:42 GMT+7

Phải đến khi được tạp chí Văn Nghệ Quân đội mời đi dự trại sáng tác vào hồi tháng 4 vừa rồi tổ chức tại Binh đoàn 15 (TP.Pleiku và Quy Nhơn) tôi mới được gặp nhà văn Dương Hướng. Biết là ông cũng sẽ dự trại này, tôi háo hức chờ.

Trong ba cuốn tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991 ấy thì tôi đọc Bến không chồng của ông cuối cùng, phải sau khi công bố giải mới có mà đọc, còn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường thì được đọc ngay khi nó vừa xuất bản. Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng năm ấy là năm mà tiểu thuyết Việt Nam bội thu nhất. Ba tiểu thuyết bề thế, hoành tráng, khốc liệt, đầy đặn và tài hoa. Khi ấy tiểu thuyết của Bảo Ninh còn phải “núp” dưới một cái tên rất cải lương, rất... sến là Thân phận của tình yêu.

Nhà văn Dương Hướng

VĂN CÔNG HÙNG

... Té ra là ông cũng dễ gần. Thấy ông ngồi ở ghế salon bên ngoài hội trường chờ khai mạc trại, tôi lại chào và xưng tên, ông à lên rồi bảo cũng có nghe tên tôi, có đọc... văn tôi. Sau này quen và được ông quý, ông bảo: "Thú thật tớ có đọc thơ bao giờ, nhưng biết tên cậu thì tức thị cậu phải là... nhà văn".

Ở trại, ông hay bị cánh trẻ trêu, và phần lớn là ông thật thà mắc lỡm. Vào đến Pleiku con trai ông nạp biếu bố ba triệu vào thẻ ATM, gã con này cũng lơ mơ, điện thoại cho bố bảo: con không nhớ rõ mã tài khoản của bố, bố kiểm tra xem có tiền chưa hay con lại gửi cho ai rồi. Nhà khách Binh đoàn 15 cách trung tâm thành phố gần hai chục cây số, ông cưỡi tắc xi chỉ để kiểm tra số dư tài khoản hết một trăm năm chục ngàn. Đỗ Tiến Thụy cứ nhất quyết con ông gửi 10 triệu và ông đi tắc xi hết hai triệu, ông cứ... gân cổ lên thanh minh.

Đi trại lần này, con trai thì biếu tiền, con rể thì biếu ông cái máy tính xách tay mới coóng. Ông bảo nhớ lại cái hồi viết tiểu thuyết Bến không chồng mà kinh. Bây giờ mà phải ngồi kẽo kẹt viết tay như thế thì... chắc chết. Hồi ấy, ông xin nghỉ không lương 6 tháng, ngồi cày liên tục 4 tháng thì xong. Hỏi ông viết mấy lần, ông bảo phải viết tay có hai lần, rồi đánh máy. Ngay bây giờ, ông mới chỉ sử dụng laptop như một... cái máy đánh chữ, tất cả các folder, document ông bày hết ra desktop, “cho dễ tìm”, ông hồn nhiên cười bảo. Có bốn năm folder chi đó, ông rải trên khắp desktop theo hình sin, giống những con sóng, đồng màu với hình nền nên tìm cũng chả dễ gì.

Ông là người cao tuổi thứ 2 trong trại, sau nhà thơ Vương Trọng, nhưng rất thích đánh đu với bọn trẻ. Đêm hôm hứng lên gọi nhau tụ bạ, rủ là ông có mặt liền, dù là chỉ để ngồi... nhìn. Không những thế, những cuộc ấy ông toàn giành... trả tiền từ tắc xi đến cà phê, nhậu... Cuộc đi trại lần này ông cũng phải xin nghỉ một tháng không lương.

“Nhà thơ” Dương Hướng

Có một cuộc giao lưu giữa trại và một hội văn nghệ địa phương. Một nhà văn nữ đã giới thiệu: "Đến dự với chúng ta có nhà... thơ Dương Hướng đến từ Quảng Ninh. Ông là tác giả tập thơ nổi tiếng Bến không chồng". Nhà văn Dương Hướng tái mặt, chỉ sợ bị giới thiệu lên đọc thơ. MC kia còn “tán”: "Bến không chồng là một tập thơ lục bát với nghệ thuật thơ cao cường, tuyệt vời, có thể nói ông đã được Nguyễn Bính trao y bát. Sau Nguyễn Bính, sau Dương Hướng, nền lục bát của chúng ta đang khủng hoảng...".

Nhưng trừ cuộc ấy ra, còn lại phần lớn ông xứng danh là... nhà văn nổi tiếng. Đến đâu giới thiệu: Đây là tác giả tiểu thuyết Bến không chồng thì thế nào cũng có những người mắt sáng quắc bước đến bắt tay biểu hiện sự thán phục. Hôm giao lưu với câu lạc bộ thơ Xuân Diệu và trường chuyên Lê Quý Đôn Bình Định, nhiều em học sinh còn đứng lên hỏi tác giả Dương Hướng về số phận các nhân vật của ông. Ngồi dự mà thấy... mừng vì vẫn còn những bạn đọc trung thành với văn chương đến thế. Thực ra thì bạn đọc vẫn đọc văn chương, vẫn yêu quý nhà văn, có điều đấy phải là những tác phẩm văn chương đích thực, nó phải hay và cần cho người đọc. Cuốn Bến không chồng đã tái bản 11 lần, còn Nỗi buồn chiến tranh Mảnh đất lắm người nhiều ma thì còn nhiều hơn thế. Trong nhà Dương Hướng giờ bày 11 cuốn Bến không chồng với 11 cái bìa khác nhau. Đấy chính là hạnh phúc vô bờ của người cầm bút.

Nhấp rượu Bàu Đá

Kế hoạch của trại sáng tác là sẽ có 4 ngày thực tế tại Tây nguyên, toàn vào vùng biên giới, sau đó tập kết về Pleiku một đêm rồi di chuyển xuống Quy Nhơn ở 10 ngày để viết. Ngay buổi trưa khi đoàn nhà văn vừa từ Pleiku đặt chân đến khách sạn Bình Dương thì đã có một nhà văn xứ Bình Định chờ sẵn ở sảnh khách sạn với... 21 lít rượu Bàu Đá thứ thiệt mà Đỗ Tiến Thụy tả rằng giống như... 21 quả đại bác. Món đặc sản này của Bình Định đã danh bất hư truyền khắp trong nam ngoài bắc. Vốn dĩ nhà văn Dương Hướng không uống được rượu. Trước đấy mỗi bữa nài lắm ông cũng chỉ làm cốc bia là mặt đỏ tưng bừng như mặt trời trên đỉnh sóng Hạ Long quê ông (thực ra thì ông quê Thái Bình nhưng ở Hạ Long đã lâu nên nơi này trở thành quê thứ 2 của ông). Thế mà chỉ qua... ba ngày, từ chỗ chỉ nhấp một ngụm rồi... nhăn mặt (vì rượu Bàu Đá rất nặng), đến ngày thứ 4 thì ông đã... nhớ rượu, mỗi bữa ông... ực năm ực, mỗi ực một ly mà chưa xi nhê gì.

Ngày “rã” trại, mọi người về nhà, mình ông lên xe đò ra Đà Nẵng. Ông chưa bao giờ lên Bà Nà, tranh thủ đợt này phải lên cho biết. “Cô ta” còn bốn ngày, ông tận dụng bằng hết...

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.