Nhặt chuyện văn nhân: Ông trở về hóa đá phía bên kia…

07/03/2022 06:33 GMT+7

Năm 2000, từ nhà sáng tác Vũng Tàu, tôi nhảy xe đò lên Biên Hòa, ngoài chuyện thăm vợ chồng nhà văn Nguyễn Đức Thọ, tôi có một nguyện vọng là nhờ Thọ đưa tới thăm nhà thơ Thu Bồn đang “ẩn cư” ở suối Lồ Ồ.

Lâu nay nghe nhiều về trang trại của ông, cứ hình dung nó heo hút và buồn. Thì ra nó cách thành phố Biên Hòa nơi có nhà của Nguyễn Đức Thọ có... 7 km, nhưng lại thuộc tỉnh Bình Dương. Ông đang nằm võng đọc sách, chị Lý Bạch Huệ xởi lởi dẫn khách vào chào chủ nhà. Tôi biết Lý Bạch Huệ từ hồi chị đem thơ Thu Bồn lên Tây nguyên bán, 100.000 đồng một cuốn và bán được, tôi cũng mua một cuốn bằng tiền túi (hồi ấy mà bán thơ giá 100.000 đồng/cuốn thì chỉ có... Thu Bồn làm được. Và phần lớn là... cơ quan mua, nên tôi phải kể rõ là mua bằng... tiền túi). Vì thế tôi cứ nghĩ Thu Bồn giàu lắm, sau mới biết té ra không phải thế. Có lần ông kể với tôi, nhà văn Nguyễn Chí Trung, khi còn là thiếu tướng trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thỉnh thoảng sẵn xe lại “lôi” ông đi một chuyến, bắt xuống cơ sở thực tế. Ông bảo: Thứ nhất là Nguyễn Chí Trung chả có nhu cầu gì cho bản thân, thứ hai là nếu có thì đã có người lo. Còn ông, Nguyễn Chí Trung quên rằng ông là một nhà văn đã về hưu, túi không tiền. Nhiều khi Nguyễn Chí Trung lôi đến đâu đấy, vất ông lại, bỏ đi một hơi chẳng cần biết ông sống thế nào, ăn ở đi lại ra sao. Nhưng tôi biết ông rất tôn thờ cách sống của nhà văn Nguyễn Chí Trung, và ngược lại khi ông mất, một tay Nguyễn Chí Trung lo chu toàn, thậm chí làm được cả một hầm mộ trong chứa đầy các kỷ vật, từ nắm đất ven sông Thu Bồn đến chiếc ná Tây nguyên, từ chiếc lá đại nhà số 4 đến viên sỏi trắng sông Hương… - hàng mấy trăm kỷ vật như thế vẫn bên ông trong hầm mộ ấy. Và người lính già Nguyễn Chí Trung cũng là người khóc nhiều nhất. Ông đi dọc đất nước sưu tầm kỷ vật mang về Lồ Ồ.

Nhà thơ Thu Bồn (trái) và tác giả Văn Công Hùng ở trang trại Lồ Ồ

NVCC

Có thể nói, toàn bộ tuổi trẻ của ông, tình yêu của ông, ông đã dành cho mảnh đất Tây nguyên mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. Tất nhiên, bên cạnh đấy là Hà Nội với ngôi nhà số 4 mà sức trai của ông đã trải qua ở đấy, là quê hương dứt ruột Quảng Nam của ông, rồi Lồ Ồ nơi ông “ẩn cư” những năm cuối đời. Nhưng những sáng tác quan trọng của đời ông là về Tây nguyên. Cho đến khi về cõi vĩnh hằng, tình yêu ấy vẫn ngùn ngụt cháy. Bằng chứng là, ông đột quỵ lần đầu tiên là tại Kon Tum, ở cửa khẩu Bờ Y, nơi ông “chém vè” hàng năm trời với dự định sẽ viết một cuốn sách lớn nhất của đời mình tại đấy. Từ Bờ Y xa lắc, người ta tức tốc chở ông một lèo về Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng vì là “Gấu Tây nguyên” - chữ của nhà thơ Nguyễn Duy - nên ông bình phục khá nhanh. Và với cái giọng méo phải qua vợ phiên dịch, với bước chân khập khiễng chấm phẩy, tay co tay duỗi, ông lại lên Tây nguyên, về đúng cái cửa khẩu Bờ Y còn vô vàn khó khăn không điện không nước không tiện nghi tối thiểu ấy, tiếp tục “chém vè”. Bằng chứng là, trong nhà của ông ở Lồ Ồ, có cả một thế giới Tây nguyên mà ông trân trọng giữ chúng chứ không chỉ trương lên như một cách biểu lộ sự sành điệu. Tôi đã ngồi trong ngôi nhà ấy, giữa những đồ vật ấy nghe ông đọc thơ. Phải nói là vô cùng hoành tráng như đang lạc giữa đại ngàn nghe già làng kể khan...

Tôi thưa với ông tâm trạng của một người quê Huế là tôi khi lần đầu đọc bài thơ Tạm biệt của ông: “Nón rất Huế nhưng đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng...” và không khí như lên đồng của nữ sinh Huế trước sự kiện này như thế nào. Ông cười và bảo đấy là thời... oanh liệt. Nhân đấy ông giải thích tại sao thời chiến tranh các nhà văn lại viết được nhiều và hay như thế, ấy là bởi nếu không viết ra lỡ hy sinh thì sao? Viết với tâm trạng đây là trang cuối cùng, dòng cuối cùng, chữ cuối cùng, dấu chấm cuối cùng, dấu phẩy cuối cùng... Viết như sự ký thác, như sự trút bỏ, rút ruột lột da ra mà viết. Viết để hy sinh. Còn bây giờ, thời gian nhiều quá, hôm nay chưa viết, mai viết, mai bận nhậu, mốt viết... thế thì làm sao mà hay được. Ông thừa nhận là cả... ông cũng thế.

Giờ thì, tất cả đã về đất rồi, đã mãi mãi, nhà thơ Thu Bồn Hà Đức Trọng, tình yêu mãnh liệt, vạm vỡ nồng nàn ấy, tài hoa ấy, cánh chim Chơ Rao ấy, bài ca chim Chơ Rao ấy, ngừng bay, ngừng vỗ cánh, dù rằng trời Tây nguyên vẫn xanh lắm, nắng vẫn trong lắm, gió vẫn chao chát lắm, mây vẫn trắng lắm, trắng như cái thuở “Hùng Rin nhìn trời mây cây cỏ/Lần cuối cùng vĩnh biệt quê hương”... Cũng như cái xứ cách quê hương Quảng Nam của ông một con đèo kia, cái xứ có “con sông dùng dằng nước sông không chảy” kia đã chết hình ảnh trong một bài thơ tình nổi tiếng của ông: “Tạm biệt Huế, với em là tiễn biệt/Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya/Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia”...

Nhà thơ Thu Bồn đã trở về hóa đá phía bên kia. (còn tiếp)

(Trích từ sách Nhặt chuyện văn nhân do Liên Việt và NXB Văn học vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.