Câu hỏi nói trên là "Nhật sẽ làm gì để đối phó với một vụ việc tương tự?", theo tờ Nikkei Asia hôm nay 6.2. Những hành động ứng phó Nhật có thể tiến hành bao gồm điều máy bay chiến đấu đánh chặn khinh khí cầu.
Hôm 3.2, khi được hỏi liệu Nhật có trải qua bất kỳ vụ tương tự như khinh khí cầu Trung Quốc bay trên bầu trời Mỹ hay không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Takeshi Aoki khẳng định Nhật chưa trải qua vụ việc như thế.
Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 4.2 cho hay khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc đã bị máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào chiều cùng ngày.
Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối
Phía Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu đó là một "khí cầu không người lái dân sự" được sử dụng cho nghiên cứu khoa học. Phía Trung Quốc cũng đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu bay lạc vào không phận Mỹ nhưng gọi vụ bắn hạ khinh khí cầu là một phản ứng thái quá, theo Nikkei Asia.
Phát ngôn viên Aoki cho hay Nhật sẽ xử lý mọi hành vi vi phạm không phận của mình trong từng trường hợp cụ thể.
Điều 84 của luật quản lý Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) cho phép SDF thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng một máy bay vi phạm không phận nước này sẽ hạ cánh hoặc rời đi. Khinh khí cầu và máy bay không người lái được coi là máy bay trong những trường hợp như thế.
Trước đó, vào tháng 6. 2020, một vật thể giống như khinh khí cầu đã được báo cáo ở phía đông bắc Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi đó Taro Kono nói rằng vật thể này đang được radar theo dõi và nó không gây ra mối đe dọa an ninh nào, nhưng không cung cấp nhiều chi tiết. Vụ việc không bị xem là vi phạm không phận.
SDF có thể sẽ kiềm chế hơn trong việc sử dụng vũ khí chống lại khinh khí cầu so với quân đội Mỹ đã làm. Quân đội Mỹ được cho là đã cân nhắc các lựa chọn để hạ gục khinh khí cầu Trung Quốc từ rất sớm.
Khí cầu gián điệp - vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?
Khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc lần đầu tiên bay vào không phận Mỹ ở Alaska vào ngày 28.1 trước khi di chuyển vào không phận Canada vào ngày 30.1.
Sau đó, khinh khí cầu Trung Quốc lại vào không phận Mỹ phía bắc Idaho vào ngày 31.1, theo Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ. Sau khi bay qua đất liền Mỹ, khinh khí cầu quay trở lại vùng biển rộng, khiến việc bắn hạ trở nên khó khăn.
Các quan chức Mỹ đã không tiết lộ công khai sự hiện diện của khinh khí cầu trên khắp nước Mỹ cho đến ngày 2.2.
Đối với Nhật, việc sử dụng vũ khí có thể sẽ bị hạn chế trong những trường hợp khinh khí cầu gây ra mối đe dọa cần phải tự vệ hoặc sơ tán ngay lập tức, theo Nikkei Asia.
Trên thực tế, việc đợi cho đến khi một máy bay vi phạm không phận có thể là quá muộn. Các lực lượng Nhật có khả năng sẽ bắt đầu phản ứng khi phát hiện một khinh khí cầu trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này.
SDF đã cho các chiến đấu cơ xuất kích 1.004 lần để đối phó với các vụ xâm nhập ADIZ trong năm tài chính 2021, kết thúc vào tháng 3.2022. Trong đó có tới 70% số vụ xâm nhập ADIZ liên quan máy bay Trung Quốc, theo Nikkei Asia.
Bình luận (0)