'Nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1', nghĩ vậy mà không phải vậy…

Thanh Nam
Thanh Nam
18/03/2024 13:44 GMT+7

Không ít bạn trẻ dựa vào câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1" để tìm người yêu, bạn đời. Họ nghĩ rằng cô gái lớn hơn 2 tuổi, chàng trai lớn hơn 1 tuổi sẽ là "nửa kia" lý tưởng. Nhưng sự thật không phải vậy.

"Kim chỉ nam" để… tìm người yêu, bạn đời

Có những bạn trẻ chia sẻ đã từng tìm người yêu dựa vào câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1". "Vì ông bà ngày xưa đã đúc kết điều đó. Nếu như mình có người yêu hay vợ, hoặc lớn hơn 2 tuổi, hoặc nhỏ hơn 1 tuổi, thì sẽ phù hợp", Đỗ Thành Phúc (27 tuổi), làm việc ở 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM cho biết.

Không riêng Phúc, nhiều anh chàng, cô nàng cũng coi câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1" là… kim chỉ nam để tìm người yêu, bạn đời. Phái nam mặc định rằng phải lấy vợ hơn 2 tuổi hoặc nhỏ hơn 1 tuổi để có cái kết bền vững. Tương tự, "phe tóc dài" muốn chọn bạn đời nhỏ hơn bản thân 2 tuổi hoặc lớn hơn 1 tuổi với hy vọng hạnh phúc trăm năm.

Nguyễn Thị Tuyết Lan (25 tuổi), làm việc tại Công ty phần mềm ứng dụng Đà Nẵng, TP.Đà Nẵng, cho biết khi được người khác "thả thính", làm quen, thường câu hỏi đầu tiên là tò mò về tuổi. 

"Tôi sinh năm 1999. Nên khi anh chàng nào trả lời sinh năm 2001 hoặc 1998 thì tôi mới tiếp tục trò chuyện. Còn những năm sinh khác thì tôi nghĩ không phù hợp", Lan kể và nói thêm: "Tôi có niềm tin với câu nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1".

'Nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1', nghĩ vậy mà không phải vậy…- Ảnh 1.

Có những bạn trẻ tìm bạn đời, người yêu dựa theo câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1"

ẢNH MINH HỌA: NGỌC SƠN

Không chỉ người trẻ, có những phụ huynh cũng muốn con tìm được bạn đời dựa vào câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1". Thế nên mới có chuyện ở một diễn đàn hẹn hò yêu đương trên Facebook, cô gái 33 tuổi (sinh năm 1991) kể bị gia đình đốc thúc nên tìm người yêu sinh năm 1993 hoặc 1990. 

Cô gái này chia sẻ: "Bố mẹ rồi các dì, cậu cũng mai mối đủ người có hai năm sinh ấy (tức 1993 và 1990), dù tôi chẳng thích. Khi nghe tôi nói có tình cảm và đang hẹn hò với người cùng tuổi là lập tức bị la: "trời ơi, nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1, yêu người cùng tuổi làm gì?".

Cũng có người chia sẻ dù họ từng yêu đương mặn nồng nhưng đã đường tình đôi ngã, chẳng muốn tiến xa đến hôn nhân, chỉ vì độ tuổi của "nửa kia" không hợp với câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1".

Người viết thử phỏng vấn 10 bạn trẻ trong độ tuổi từ 20 - 35, ở TP.HCM. Thật bất ngờ khi cả 10/10 ý kiến đều nghĩ rằng câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1" là đề cập đến việc con trai nên cưới vợ hơn 2 tuổi, con gái nên cưới chồng hơn 1 tuổi.

'Nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1', nghĩ vậy mà không phải vậy…- Ảnh 2.

Tuổi tác không phải trở ngại lớn nhất trong tình yêu, hôn nhân

ẢNH MINH HỌA: NGÔ QUANG THƯ

Đây mới là ý nghĩa chính xác…

Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM, cho biết từ xưa đến nay, con người luôn quan tâm đến diễn trình cuộc sống của bản thân, đặc biệt là hôn nhân, hạnh phúc gia đình.

Do đó, mỗi nền văn hóa sẽ có hệ thống dự đoán về vận mệnh của từng cá nhân, xét theo mối quan hệ tuổi tác giữa nam và nữ, trước khi đến với hôn nhân. Từ đó, người xưa bằng kinh nghiệm dân gian, cơ sở tính toán, dựa trên nhiều lĩnh vực (âm dương, tử vi, tướng mệnh, can chi…) đã đưa ra những dự đoán về tuổi hạp, tuổi kỵ… với mục đích hướng đến ước vọng một gia đình hạnh phúc, viên mãn.

Theo đó, trong quan niệm hôn nhân xưa, ông bà ta thường nói: "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1". Đây là một câu thành ngữ, với cách nghĩ đơn giản mà trước đây thường được nghe giải thích, là nếu người vợ hơn người chồng 2 tuổi hoặc người chồng hơn người vợ 1 tuổi là rất tốt, hạnh phúc.

"Tuy nhiên, bởi vì là thành ngữ, nên tính chất của nó gồm một tập hợp từ cố định đã quen dùng. Có nghĩa là thành ngữ không tạo thành câu hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp, cũng chẳng thể thay thế và sửa đổi về mặt ngôn từ. Do vậy, nghĩa thường không thể giải thích đơn giản bằng nghĩa của các từ cấu tạo nên nó. Vì lẽ đó, "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1" có thể hiểu theo một cách khác, hợp lý hơn. Đó là, người xưa muốn đề cập về độ tuổi mới lớn của trai gái và có thể thành hôn theo "công thức" này", thạc sĩ Tín cho hay.

Thạc sĩ Tín chia sẻ thêm: "Quan niệm của người xưa có câu: "Nữ thập tam, nam thập lục" (tức nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi). Đây là độ tuổi mà nam và nữ bắt đầu biết e thẹn, biết yêu, có thể lập gia thất và sinh hài tử. Tuy nhiên, để có cơ sở khoa học hơn, đối với nữ, nếu tính từ lúc bắt đầu dậy thì (13 tuổi) thì phải khoảng 2 năm sau mới gả chồng và có thể sinh nở. Đó là thời gian phù hợp nhất, bởi lúc này các cơ quan trên dưới, những tuyến nội tiết mới đủ "chín" và nảy nở. Tương tự, đối với nam giới thì thường phát triển chậm hơn, đến năm khoảng 16 tuổi. Và khoảng 1 năm sau thì sự phát triển đó mới đủ "chín", có thể cưới được vợ. Với cách tính này, "gái hơn 2" tức khoảng 15 tuổi, "trai hơn 1" tức 17 tuổi là có thể cho gặp, yêu nhau. Hay tìm hiểu thảo luận về nhau, thậm chí có thể bước vào tuổi lập gia thất".

'Nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1', nghĩ vậy mà không phải vậy…- Ảnh 3.

Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín

THANH NAM

Cũng theo vị thạc sĩ văn hóa học này, câu "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1" cũng phù hợp với thuyết âm dương. Theo đó, số chẵn là âm (số 2) thuộc về nữ, số lẻ là dương (số 1) thuộc về nam cũng khá hợp lý. Bởi lẽ, khi tạo vật có âm có dương, sự sống sẽ vận hành và phát triển. "Do vậy, cũng có thể hiểu theo cách thoáng hơn, đó là những con số biểu trưng, biểu thị của âm dương, hướng đến sự may mắn, hoàn thiện, chứ không hẳn là con số tả thực để nói về cách hơn kém tuổi", thạc sĩ Tín chia sẻ thêm.

Chia sẻ với những người trẻ đã và đang có ý định tìm người yêu, bạn đời dựa vào thành ngữ "nhất gái hơn 2, nhì trai hơn 1", thạc sĩ Tín nói rằng: "Trong cuộc sống ngày nay, có lẽ thành ngữ này không còn phù hợp. Vì quan niệm sống của con người được cởi mở hơn, tình yêu và hôn nhân cũng không còn nhiều ràng buộc, gò bó. Nam, nữ đến tuổi kết hôn có thể thoải mái kết thân và tìm hiểu nhiều về nhau tạo một tiền đề vững chắc để lập gia đình. Tuổi tác vì thế không phải trở ngại lớn nhất của một cuộc hôn nhân nữa. Do đó, thay vì quá tin vào may rủi, tuổi hợp, tuổi kỵ, thiết nghĩ cần phải hiểu rõ để có một gia đình hạnh phúc, ấm êm thành đạt và bền vững. Vợ chồng cần không ngừng nỗ lực vun đắp, hợp với luân thường đạo lý, có sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, đồng lòng, cùng chung một mục tiêu tốt đẹp cho cuộc sống".

Luật sư Nguyễn Văn Hải, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể nào về độ tuổi có quyền phát sinh tình yêu nam, nữ. Còn độ tuổi kết hôn của nam và nữ theo luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Trong Điều 8 có quy định rõ nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện như: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.