Tại sao yêu đương cho mình nhưng lại nhờ người khác ‘chấm điểm’ hộ?

Thảo Phương
Thảo Phương
16/05/2023 09:44 GMT+7

Một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhất là các bạn nữ có hẳn một “hội đồng” để tư vấn về chuyện tình cảm. Với họ, việc hỏi ý kiến của hội chị em trước khi quyết định yêu đương, hẹn hò với ai đó là điều cần thiết.

Tại sao yêu đương cho mình nhưng lại nhờ người khác ‘chấm’ hộ? - Ảnh 1.

Với một số bạn trẻ, việc lắng nghe ý kiến của hội bạn thân trước khi chính thức hẹn hò là cần thiết

NGÔ QUANG THƯ

 Nhờ bạn bè "chấm điểm" hộ người yêu

‏Thường xuyên tâm sự chuyện tình cảm của mình với hội chị em ở chung phòng, Trần Thị Thanh Huyền, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể: "Mình hay kể về người đang tán tỉnh mình cho các chị cùng phòng nghe, chẳng hạn như: anh ấy làm công việc gì, vẻ bề ngoài như thế nào, tính cách ra sao hay hôm nay anh đó nhắn tin với mình những gì… mình đều kể".‏

‏Sở dĩ cô nàng gen Z này kể mọi thứ về người đang để ý mình cho hội chị em nghe vì muốn lắng nghe ý kiến khách quan từ người ngoài cuộc. "Với mình, tình cảm là một thứ gì đó rất vô hình, không thể nhìn thấy hay chạm vào được. Nó không giống như việc giải một bài toán mà có đáp án chính xác. Do đó, mình kể cho các chị nghe để xin lời khuyên. Vì thường người trong cuộc sẽ không sáng suốt bằng người ngoài", Huyền nói.

Tại sao yêu đương cho mình nhưng lại nhờ người khác ‘chấm’ hộ? - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ có hẳn một "hội đồng" tư vấn chuyện tình cảm

THẢO PHƯƠNG

‏Tương tự, cũng nhờ nhóm bạn thân "chấm điểm" hộ người đang tán tỉnh mình, Hồ Kim Nhung (25 tuổi, ở trọ trên đường Lê Văn Việt, P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Khi quyết định yêu một người mình mong được gắn bó với họ lâu dài. Cho nên lúc đang tìm hiểu mình muốn biết rõ người đó có phù hợp với mình hay không, ví dụ như: tuổi tác, tính cách, sở thích, công việc... Do đó, mình hay kể với mấy đứa bạn về đối phương để chúng nó chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn xem mình có nên tiến xa trong mối quan hệ đó hay là dừng lại. Tuy nhiên, mình chỉ lắng nghe một cách có chọn lọc vì điều quan trọng nhất trong tình yêu là cảm xúc của bản thân".

‏Không chỉ hỏi ý kiến của bạn bè về đối tượng đang tán tỉnh mà ngay cả khi có người yêu rồi, các bạn trẻ vẫn tìm tới hội bạn thân để nhờ tư vấn. "Mấy năm trước mình có quen một bạn nam, người ấy năm lần bảy lượt làm chuyện có lỗi nhưng lần nào mình cũng tha thứ. Lúc đó mình không nhận ra được lỗi lầm của họ nên vì yêu cứ đâm đầu vào rồi buồn. Nhưng cũng may nhờ bạn bè cho lời khuyên, thậm chí có lúc tụi nó còn mắng mình, nhờ vậy mới sáng mắt ra và kết thúc mối quan hệ đó", Võ Thị Phương (23 tuổi, làm nhân viên du lịch, ở trọ trên đường Quách Xân, P.Hoà Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) kể lại.‏

Chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo

‏Lý giải rõ hơn về lý do một số bạn trẻ muốn người khác "chấm" hộ người ấy giùm mình, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang phân tích: "Có thể họ chưa tự tin vào khả năng lựa chọn và nhìn người của mình nên mong muốn được người khác cho ý kiến và giúp mình đưa ra quyết định đúng đắn, tìm kiếm đối tượng phù hợp. Cũng có trường hợp trong quá trình tìm hiểu bạn lờ mờ nhận ra một vài khuyết điểm của đối phương nhưng vẫn chưa chắc chắn về nhận định của mình và muốn người khác cho mình cảm nhận khách quan hơn. Bên cạnh đó, cũng có một số người chưa từng có kinh nghiệm trong chuyện tình cảm, yêu đương nên mong muốn được người khác "đưa đường, chỉ lối" để an tâm hơn về chọn lựa của mình".

Tại sao yêu đương cho mình nhưng lại nhờ người khác ‘chấm’ hộ? - Ảnh 3.

Trong tình yêu chỉ có chính mình mới là người đưa ra quyết định cho mối quan hệ của bản thân

NGÔ QUANG THƯ

‏Tuy nhiên, trong tình yêu liệu có nên quá đặt nặng lời khuyên hay những nhận xét, đánh giá từ những người ngoài cuộc hay không? Thạc sĩ Đào Lưu khuyên: "Chúng ta có thể chia sẻ để xin lời khuyên từ người khác nhưng không phải việc gì cũng đem ra kể. Giả sử có người hiểu và thông cảm, họ sẽ cho lời khuyên hữu ích, nâng đỡ và động viên tinh thần cho bạn. Ngược lại, nếu chúng ta kể sai đối tượng, đôi khi nhận về những lời khuyên hoặc lời phán xét thiếu tích cực thì người thiệt thòi là chúng ta và mối quan hệ của mình. Do đó, chúng ta có thể nghe lời khuyên của người khác nhưng chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo". ‏

‏Cũng theo thạc sĩ Đào Lưu, trong chuyện tình cảm chỉ có chính mình mới là người đưa ra quyết định cuối cùng cho mối quan hệ của bản thân. "Nếu bạn hoàn toàn không tin tưởng vào cảm xúc, năng lực phán đoán và khả năng lựa chọn của mình hoặc không đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm bởi quyết định của bản thân khi tiến tới với một ai đó thì tốt nhất nên dừng lại. Khi nào bạn hoàn toàn sẵn sàng và tự tin thì hãy bắt đầu mối quan hệ để tránh những sai lầm khiến mình phải day dứt về sau", thạc sĩ Đào Lưu nhắn nhủ.‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.