Vì sao gen Z yêu đương ‘mập mờ’?

Thảo Phương
Thảo Phương
25/04/2023 13:11 GMT+7

Vì không thích ràng buộc, không muốn bị kiểm soát và sợ tổn thương sau khi chia tay… nên nhiều người trẻ chọn yêu đương “mập mờ”. Một mối quan hệ không thể gọi tên vì không là bạn nhưng cũng chẳng phải người yêu.

Gen Z có nên yêu đương ‘mập mờ’? - Ảnh 1.

Có nên duy trì mối quan hệ "mập mờ" trên tình bạn dưới tình yêu?

NGÔ QUANG THƯ

Trên tình bạn nhưng không hẳn là tình yêu

‏Ngày càng có nhiều người trẻ thích "mập mờ" trong chuyện tình cảm, họ có thể quan tâm, chăm sóc nhau như một cặp đôi nhưng lại không chính thức bước vào một mối quan hệ. ‏

‏Từng trải qua nhiều mối quan hệ "mập mờ", P.T.T. (22 tuổi), đang làm việc tại P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM, tâm sự: "‏‏Nếu mình đang thích họ nhưng không muốn tiến tới mối quan hệ yêu đương thì "mập mờ" vẫn tốt hơn. ‏‏Mặc dù thích được quan tâm, muốn có người nhắn tin trò chuyện mỗi ngày, nhưng không muốn ràng buộc nhau quá nhiều về chuyện tình cảm, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau nên "mập mờ" là thoải mái nhất. Hơn nữa, một mối quan hệ nửa vời trên tình bạn, dưới tình yêu sẽ không khiến mình phải đau lòng nếu chia tay".

Gen Z có nên yêu đương ‘mập mờ’? - Ảnh 2.

Nhiều gen Z chọn yêu đương "mập mờ" để tránh đau lòng

NGÔ QUANG THƯ

‏Tương tự, cũng thích một mối quan hệ trên tình bạn, dưới tình yêu, H.T.T.C, sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: "‏‏Có những người không phải người yêu, cũng không muốn trở thành người yêu, nhưng lại đối với nhau như người yêu.‏‏ Mình duy trì một mối quan hệ như vậy vì bản thân cảm thấy chưa đến lúc thích hợp để bước vào một chuyện tình yêu nghiêm túc. Mình còn phải lo việc học, đi làm thêm và phát triển bản thân nên ngại khi chính thức yêu đương sẽ phải can thiệp sâu hơn vào cuộc sống của nhau, lúc đó mình sợ không có đủ thời gian".‏

‏Nói về nguyên nhân vì sao ngày càng nhiều cặp đôi thích mối quan hệ "mập mờ", thạc sĩ Lê Đào Anh Khương, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lý giải: "‏‏Đối với các nghiên cứu về tâm lý cặp đôi, ba yếu tố góp phần tạo nên sự bền vững trong mối quan hệ của họ đó là sự thân mật (thân thiết như bạn bè, tri kỷ), đam mê (cuốn hút và muốn gần bên nhau) và cam kết (dấn thân trong một mối quan hệ cặp đôi bền vững). Ở câu chuyện trên mình thấy rõ sự thân mật và đam mê nhưng cam kết thì chưa thấy. Điều này chứng tỏ cả hai cũng chưa dám đi xa hơn với những ràng buộc cho nhau và vẫn còn mong mỏi sự tự do hơn là phải đưa ra quyết định. Điều này cũng khá thách thức với xã hội khi mà gen Z khá cân nhắc về việc kết hôn cũng như sinh con". ‏

Không nên kéo dài mối quan hệ... không tên

‏Tuy nhiên, không phải ai cũng thích một mối quan hệ ở trạng thái nửa vời. Không ít người trẻ đã phải chịu tổn thương vì vô tình vướng phải một mối quan hệ không thể gọi tên.‏

‏Từng rơi vào mối quan hệ "mập mờ" dù bản thân không hề muốn, Võ Thanh Hằng, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, kể lại: "Cách đây vài ngày mình đã cắt đứt liên lạc với một bạn nam vì sự không rõ ràng. Tụi mình quen nhau gần nửa năm, sau thời gian nhắn tin qua lại, mình và bạn gặp nhau vài lần và bạn có nhiều hành động thể hiện là thích mình nhưng lại không khẳng định hay thừa nhận điều đó. Ngược lại, bạn lên mạng xã hội chia sẻ những bài viết đại loại như đang chờ một người phù hợp để yêu khiến mình rất buồn vì không rõ mình là gì trong lòng bạn ấy".

Cũng không chấp nhận sự "mập mờ" trong một mối quan hệ, Nguyễn Hữu Hiệp, 22 tuổi, ngụ ở KC76 Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM, bày tỏ quan điểm: "Đồng ý là một mối quan hệ khi không bị ràng buộc bởi danh phận gì sẽ rất thoải mái nhưng mình nghĩ cần có ranh giới rõ ràng giữa tình bạn và tình yêu. N‏‏ếu xác định rõ tình cảm của bản thân thì nên bước vào một mối quan hệ nghiêm túc, còn không chỉ nên dừng ở mức tình bạn ‏‏để tránh gây hiểu lầm, tổn thương cho đối phương. Vì mối quan hệ nửa vời có thể khiến cho tình bạn tan vỡ. Và cũng không nên ngộ nhận trong tình cảm, tự mình xác định mối quan hệ mà chưa biết đối phương xem mình là như thế nào‏‏".

Gen Z có nên yêu đương ‘mập mờ’? - Ảnh 3.

Nên có ranh giới rõ ràng giữa tình bạn và tình yêu

NGỌC SƠN

‏Nói về mặt trái của một mối quan hệ "mập mờ", thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: "Mập mờ dẫn đến việc các bạn trẻ dễ sa đà vào các mối quan hệ không rõ ràng, không có trách nhiệm với đối phương. Điều này cũng làm các bạn dễ chai sạn tình cảm, khó cảm nhận được tình cảm thật, từ đó ít tin vào những điều tốt đẹp của tình yêu. Hơn nữa, việc sa đà vào các mối quan hệ mập mờ dễ khiến tỷ lệ các bạn quan hệ tình dục bừa bãi, mang thai và nạo hút thai tăng cao". ‏

‏Nếu không may rơi vào mối quan hệ nửa vời, gen Z cần làm gì? Thạc sĩ Cẩm Giang khuyên: "Ai cũng có nhu cầu được yêu đương, được quan tâm, được là của mình. Chẳng qua, các bạn đã dễ dãi trong cảm nhận và cho đi, dẫn đến việc mập mờ. Do vậy, mình cần tỉnh táo để xác định mục tiêu sống, giá trị sống và lựa chọn tình yêu là một trong những giá trị đó. Nói chung, mỗi người phải tự vấn nhiều, thậm chí cả thử thách chính mình và đối phương, còn nếu chưa xác định được thì đừng dễ dãi sa vào rồi dẫn đến mập mờ".‏

‏Thạc sĩ Anh Khương cũng khuyên: "Sự rõ ràng vẫn luôn cần thiết để cả hai có kế hoạch cụ thể cho hành trình chung hoặc riêng. Do đó, tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ dành thời gian để đối thoại về nhu cầu tình cảm của bản thân và đưa ra phương án phù hợp cho mình. Về cơ bản, bạn cũng nên chân thật với cảm xúc của mình, dù có thể đau lòng nhưng hành trình sắp tới bạn sẽ mang theo cả bài học ý nghĩa để sống và bình an hơn với một nửa mình tìm trong đời".‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.