Cướp bóc, cúp điện luân phiên, bệnh viện không tìm được nguồn cung. Venezuela đang rơi vào tình trạng hỗn loạn với quy mô chưa từng thấy ở tây bán cầu trong nhiều thập niên qua. Nhật ký của phóng viên hãng tin Bloomberg sẽ cho bạn góc nhìn cận cảnh về cuộc sống khó khăn ở quốc gia Nam Mỹ.
Ngày 9.6
|
Thứ năm. Đây là một cơ hội trong tuần của tôi để mua dầu ăn, gạo, bột giặt với mức giá nhà nước quy định. Tất cả người Venezuela trưởng thành đều được định ngày trong tuần để mua hàng hóa theo quy định, dựa trên số thẻ chứng minh thư. Ngày của tôi là thứ năm và chủ nhật.
Dù vậy, chủ nhật thật vô dụng. Nhiều cửa hàng ngừng bán sản phẩm theo quy định vào dịp cuối tuần từ rất lâu rồi. Thứ năm cũng chỉ có ích hơn một chút. Nhiều tháng qua, những dòng người tại hai siêu thị gần nhà tôi ở miền đông thủ đô Caracas quá dài, vượt qua đến hai tòa nhà và là lý do khiến việc mua sắm mất hàng giờ. Sau đó, chẳng có gì đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tìm được đồ để mua trong siêu thị.
Tuy nhiên tôi cũng lái xe đến siêu thị để nhìn qua. Chẳng có cơ hội nào. Quá đông, không còn một chỗ trống để đậu xe. Tôi tiếp tục đi. Hôm nay là ngày tôi được mua sắm và nó sẽ đưa tôi đến nhiều nơi trong thành phố, vì thế dĩ nhiên, tôi sẽ làm bất cứ thứ gì để đem đồ về cho hai đứa con, bé trai 8 tuổi và bé gái 10 tuổi, cùng chồng là anh Issac.
Tôi bước vào hiệu thuốc. Issac đang dần hết thuốc cholesterol. Bác sĩ của anh chỉ định dùng Vytorin hay Hiperlipen. Hiệu thuốc chẳng có loại nào. Song dược sĩ cho hay vừa có phòng thí nghiệm ở Ấn Độ đạt được thỏa thuận với chính phủ để cung ứng thuốc. Tôi không thích chút nào, nhưng vẫn tốt hơn là thấy chồng tôi hết thuốc. Tôi mua bốn hộp.
Giữa trưa, tôi đến tiệm bánh để tìm bánh mì. Tôi được chào đón bởi người phụ nữ trẻ sốt ruột: “Chúng tôi chỉ bán bánh mì lúc 5 giờ chiều”. Khi bước ra, tôi nhìn thấy dòng chữ “Không có bánh mì”. Khi vào lại xe, tôi nhận ra mình sắp hết tiền. Tôi đến cây ATM gần đó. Nó cạn tiền.
Khi sắp hết ngày, tôi tìm được một ít kho báu. Tại cửa hàng nhỏ, tôi tìm thấy sản phẩm lactose. Nó không hẳn là sữa, nhưng cũng đáng thử. Có thể bọn trẻ thích nó. Tôi rời khỏi tiệm với hai chai trên tay và nở nụ cười lớn.
tin liên quan
Xoài, dừa 'lên ngôi' tại đất nước khan hiếm lương thực VenezuelaMùa xoài Venezuela đang phần nào giúp người dân đất nước Nam Mỹ đi qua thời điểm thiếu thốn lương thực vốn ngày càng xấu đi.
Ngày 14.6
|
Tôi tiếp tục “săn” bánh mì. Vì càng ngày càng khó kiếm loại bánh mì tươi mà người Venezuela thường ăn, tôi chọn loại đóng gói. Buổi trưa, tôi đến cửa hàng tạp hóa. Tôi bước vào trong và không thấy gì nhiều trên kệ hàng. Không có kệ nào ghi chữ bánh mì. “Bánh mì về hàng sớm. Hết rồi”, một nhân viên bán hàng nói.
Sau đó tôi ra trung tâm mua sắm để trả hóa đơn điện. Công nhân viên làm việc tại cơ quan nhà nước này đang đình công, nên không có ai ở đó nhận tiền của tôi. “Chỉ là không phải hôm nay. Cô có thể trở lại vào ngày mai và trả tiền”, một người phụ nữ trẻ nói với tôi.
Tôi ra siêu thị kế bên. Đứng đầu trong danh sách của tôi lúc này là thịt và rau. Tôi tìm thấy rau củ - khoai tây, hành, chuối - nhưng không thấy thịt. Tôi trả tiền gấp đôi mức giá mà 5 tháng trước tôi từng trả.
tin liên quan
Venezuela: Đất nước khan hiếm và cạn kiệt mọi thứVenezuela đang dần cạn kiệt tất cả mọi thứ, từ thực phẩm, thuốc men, điện đến giấy vệ sinh, bao cao su.
Ngày 17.6
|
Ghi điểm đậm. Issac, thông qua người đồng nghiệp, mua được 5 kg bột ngô. Điều này thật lớn. Bột là thành phần chính của loại bánh mì arepas quan trọng trong chế độ ăn Venezuela. Issac đã chi giá đắt: 1.500 bolivar cho mỗi kg. Mức này gấp tám lần so với giá quy định, nhưng dù sao thì cũng xứng đáng.
Ngày 25.6
|
Tôi đến chợ gần nhà tôi từ sớm. Trước bình minh thứ bảy, xe tải chở sản phẩm của nông dân từ các ngọn núi gần đây đến. Mọi thứ được bán với giá thị trường tự do. Thực tế đây là bất hợp pháp nhưng vẫn diễn ra. Mua sắm tại đây, với giá này, là thứ xa xỉ mà tôi biết hàng triệu người Venezuela không đủ khả năng. Tôi cảm thấy may mắn về mặt này.
Một ưu điểm nữa là các nông dân chấp nhận thẻ ghi nợ. Với lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, dự báo trong năm 2016 rơi vào khoảng từ 200% đến 1.500%, trả bằng tiền mặt đòi hỏi việc phải mang theo cả “núi” tiền. Điều này không chỉ cồng kềnh, mà trong một nước tội phạm hoành hành như Venezuela, nơi có tỷ lệ giết người cao thứ ba thế giới, là vô cùng nguy hiểm.
Sau một giờ lựa rau quả và thịt, tôi xếp hàng trả tiền. Trời bắt đầu mưa nhẹ. Đây là vấn đề. Hệ thống internet liên kết các máy quét thẻ với ngành ngân hàng đã hỏng. Nhiều năm không đủ đầu tư làm tổn thương độ tin cậy của hệ thống. Hiện vẫn còn 30 người trong số chúng tôi chờ trả tiền. Một số người bắt đầu càu nhàu về nhân viên bán hàng, các nhà băng và đất nước. Vài người đàn ông lớn tuổi bỏ đi, bỏ lại túi hàng vừa chọn. Vài phút sau, tôi cũng theo chân họ.
Ngày 7.7
|
Thứ năm. Ngày mua nhu yếu phẩm của tôi. Tôi đến siêu thị chỉ sau 10 giờ một chút. 60 người đang chờ bên ngoài. Họ đến từ khắp nơi trong thành phố, đặc biệt là ở các khu dân cư nghèo hơn, nơi mà thức ăn khan hiếm. Không ai biết điều gì: thời điểm hàng hóa quy định sẽ được bày lên để bán, có món hàng nào hay không có gì. Họ chỉ chờ đợi, kiên trì dưới ánh nắng vùng Caribbean.
“Đây là dòng hy vọng. Chúng tôi đang hy vọng có gì đó bán cho chúng tôi”, một phụ nữ nói với tôi. Dễ thương. Một chút hài hước. Tôi cười to.
Dù vậy vài giờ sau, với hàng người dậm chân tại chỗ, tôi mất hy vọng, bỏ đi.
tin liên quan
'Cái chết đắt đỏ' ở VenezuelaỞ quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và nhân đạo Venezuela, nhiều người không có đủ tiền để lo chi phí dịch vụ mai táng.
Bình luận (0)