NGƯỜI CỦA NHỮNG CÁI NHẤT
Một ngày mưa tháng 12, căn nhà khang trang thuộc hàng bậc nhất thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) của nghệ nhân bài chòi Phạm Hồng Thái rộn ràng tiếng song loan hòa âm cùng guitar điện phím lõm… "Rủ nhau đi nghe hát bài chòi/Để con nó khóc cho lòi rún (rốn) ra…", ông Thái vừa gảy điệu xuân nữ vừa ngân nga câu hát với nội dung hô con Rún (1 trong 30 con bài chòi). Thấy khách vỗ tay theo nhịp, ông Thái hô thêm con Hương (tứ cẳng), con Xơ, con Bồng, con Đượng… rồi mới tiếp chuyện.
"Thỉnh thoảng hát mấy câu cho vui thôi, chứ nghiệp chính của tôi là nhạc công dân gian, chuyên đứng sau các nghệ nhân hô hát bài chòi. Từ xưa đến nay, người theo nghề đã ít, thành công với nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay", ông Thái nói. Ông kể năm 16 tuổi vì đam mê văn nghệ, ông tham gia đoàn thông tin lưu động của xã Hòa Phong đi biểu diễn khắp các thôn, xóm. Cũng từ đây ông Thái bén duyên với nghiệp cầm ca. Dấu mốc ông không bao giờ quên là khi được tiếp xúc với những nghệ nhân của đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và được họ truyền dạy những làn điệu dân ca. Nhờ tài năng thiên bẩm, chỉ sau 7 ngày theo học, Phạm Hồng Thái đã có thể chơi nhuần nhuyễn 4 điệu nhạc chính của bài chòi, gồm: xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng.
Thành công đến với ông Thái khá sớm khi cùng đoàn nghệ nhân của xã Hòa Phong đi thi nhạc dân ca và đoạt giải nhất vào năm 1986. Ông được huyện chọn vào ban nhạc để đi thi cấp TP. Tuy không đạt giải cao nhưng Phạm Hồng Thái lại được khen thưởng là nhạc công nhỏ tuổi xuất sắc nhất TP lúc bấy giờ.
Đi diễn và quen biết nhiều, ông Phạm Hồng Thái chủ động kết nối với ngành chức năng địa phương và các nghệ nhân ở Hội An để đưa bài chòi về Hòa Phong rồi lan tỏa mạnh mẽ trên quê hương Hòa Vang. Với tư cách là trưởng ban nhạc, hội diễn đàn hát dân ca các cấp, ông đều có mặt dẫn dắt anh em thi thố và mang về nhiều thành tích, như: huy chương vàng, huy chương bạc dành cho ban nhạc tại hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền vào các năm 2014, 2018…
NIỀM VUI CỦA NGƯỜI "TRUYỀN LỬA"
Trước khi nghệ thuật bài chòi Trung bộ, trong đó có Đà Nẵng, được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2017, ông Phạm Hồng Thái đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (năm 2016). Tại TP.Đà Nẵng hiện có 6 nghệ nhân ưu tú trong bộ môn bài chòi, duy chỉ có nghệ nhân Phạm Hồng Thái là nhạc công.
Gần 40 năm theo nghề nhạc công, ông Thái cho biết dân ca bài chòi dễ đi vào lòng người bởi những câu từ dung dị, gần gũi với người miền Trung. Những câu ca dao theo thể lục bát khi được hát chung với 4 làn điệu bài chòi làm người nghe rất dễ thuộc. Những ai có năng khiếu về câu chữ đều có thể sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian này để truyền tải thông điệp ý nghĩa đến số đông công chúng. Từ nhiều năm qua, trong vai trò là tuyên truyền viên lưu động, ông đã cùng nghệ nhân địa phương đưa những show dân ca ngắn với nội dung tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, phòng chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình…
Ông cho biết: "Mỗi kịch bản tuyên truyền thường kéo dài khoảng 10 phút. Qua tiếng nhạc, lời ca mộc mạc của các nghệ nhân sẽ gửi gắm những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống. Tôi thì không có tài viết lời nhưng vừa làm nhạc công vừa làm đạo diễn, dàn dựng một buổi diễn thì có thể làm tốt". Nghệ nhân Phạm Hồng Thái phấn khởi: "Sau bao nhiêu năm trăn trở vì không có truyền nhân thì mới đây, tôi có một học trò đã chơi nhạc tạm được. Bây giờ, nhạc công này cũng có thể dàn dựng một buổi trình diễn cấp địa phương". Ông Thái đúc kết những nghệ nhân chơi nhạc giỏi phải đam mê nhịp, phách, phải biết thẩm những làn điệu dân ca. Bởi dân ca mang tính truyền khẩu chứ không theo nốt, nhạc lý nên nhạc công phải biết cách biến hóa theo từng giọng ca cao, thấp…
Điều khiến ông Thái vui nhất là từ 10 năm qua, H.Hòa Vang đã đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực. Cứ mỗi dịp hè, ông lại cùng các nghệ nhân đến các trường để truyền dạy cách hô hát bài chòi cho học sinh. "Có những lớp học 40 - 50 em nhưng em nào cũng hào hứng luyện tập, thi thố… Có những trường học đã đưa các tiết mục hô hát bài chòi vào biểu diễn dịp khai giảng, lễ kỷ niệm… Có những buổi diễn như lễ hội cầu ngư, đình làng Túy Loan… người dân chen nhau xem khiến tôi ấm lòng. Với một nhạc công bài chòi như tôi, niềm vui không phải là thù lao cao, sân khấu hào nhoáng mà đơn giản là sự tán thưởng, hòa mình của khán giả, người chơi vào mỗi hội bài chòi…", ông Thái trải lòng. (còn tiếp)
"Hổ phụ sanh hổ tử"
Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái là cha của nhạc sĩ Phạm Hồng Biển, một nghệ sĩ tài năng được biết đến với nhiều sáng tác mang đậm hơi thở dân ca Trung bộ, Nam bộ… Phạm Hồng Biển còn sáng tác nhiều ca khúc nhạc phim gây xúc động cho người nghe. Ông Phạm Hồng Thái cho biết từ lúc anh Biển học lớp 3, ngày nào ông cũng đạp xe chở con đi học đàn organ. Chính ông là người truyền cảm hứng và luôn khích lệ Phạm Hồng Biển tiến bước trên con đường âm nhạc mà sau này, anh đã thành công khi sử dụng chất liệu dân gian trong nhiều nhạc phẩm.
Bình luận (0)