BẬC THẦY TẠO HÌNH TRÊN GỖ RỪNG
Một ngày đầu tháng 12, bên cạnh cột nêu, dưới mái gươl (nhà làng) truyền thống của người Cơ Tu tại trung tâm H.Nam Đông, nhóm 6 nghệ nhân điêu khắc gỗ say mê gửi từng nhát đục, nét vẽ… lên thớ gỗ. Họ đang nỗ lực hoàn thành nguyên mẫu nhà mồ với đầy đủ cấu kiện, tượng tròn, quan tài độc mộc… thuộc một phần dự án hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một (do Viện Văn hóa nghệ thuật VN chủ trì). Ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VH-TT H.Nam Đông, bảo tôi gặp may vì đến đúng dịp quy tụ những nghệ nhân giỏi nhất huyện, đặc biệt là ông Phạm Xuân Tin - người mà nhóm thợ gọi bằng thầy.
"Trở về địa phương sau mấy ngày đi làm nhà mồ cho người dân, tôi đến đây để xem anh em làm đến đâu rồi. Giờ thì có thể yên tâm giao cho nhóm làm việc nhưng có một số chi tiết, hoa văn phải kiểm tra, nếu không đúng sẽ làm sai lệch giá trị…", ông Tin nói. Dựng nhà mồ truyền thống là nghề cha truyền con nối của gia đình ông Tin suốt nhiều đời qua. Từ năm 11 tuổi, ông đã theo chân cha đến các bản làng xa xôi để làm nhà mồ. Những ngày đầu, ông được giao đục đẽo những công đoạn đơn giản theo nét vẽ của cha. Tay nghề lớn dần theo năm tháng, ông tự làm nhà mồ theo mô thức được cha truyền dạy và mày mò làm những tượng tròn cỡ lớn thường được dựng xung quanh các khu mộ.
"Tôi không bao giờ quên nụ cười của cha khi nhìn thấy 4 tượng tròn, gồm 1 người đeo gùi (xà lét), 1 người nhảy điệu tâng tung, 1 người đánh cồng chiêng, 1 người đánh trống do tôi tạc. Bộ tượng được gắn ở 4 góc của một chiếc mâm, mâm này lại đặt trên quan tài độc mộc nên nó chỉ nhỏ bằng bắp chân, rất khó tả thành hình dáng. Làm được loại tượng này xem như đã thành nghề. Đó cũng là 4 tượng đầu tay của tôi", ông Tin nhớ lại. Năm đó, ông mới 16 tuổi nhưng đã vang danh cả miệt núi Nam Đông. Nhiều gia đình khi cần dựng nhà mồ nhất quyết phải mời ông Tin đến làm cho bằng được.
Ông Tin bảo từ xa xưa, đồng bào Cơ Tu khi làm nhà mồ truyền thống phải chọn những loại gỗ tốt, như lim, kiền kiền… đã mục ruỗng chỉ còn phần lõi. Gỗ quý ngày càng khan hiếm, hơn nữa đồng bào Cơ Tu ý thức bảo vệ rừng nên người dân chuyển sang dựng nhà mồ bằng xi măng. Ông Tin cũng thích nghi rồi chuyển sang làm thợ hồ, vừa để mưu sinh vừa gắng gìn giữ những đường nét xưa cũ. Bởi vậy, khi tham gia dựng nhà mồ truyền thống, được đứng trước những khối gỗ, được chạm tay vào đục, dùi cui…, ông Tin mừng vui như được gặp lại tri kỷ.
GIỮ TÍNH CHÂN XÁC CỦA NHÀ MỒ
Hôm tôi đến, nhà mồ đã hoàn thành các cấu kiện cơ bản, phần hòm độc mộc, mâm trang trí cũng đã xong. Những nghệ nhân chia nhau các phần việc còn lại, người đục đẽo tượng, người sơn các hoa văn, vẽ hình ảnh các con vật. Riêng phần a chua (nóc nhà mồ), đích thân nghệ nhân Phạm Xuân Tin ngồi cân chỉnh, gọt giũa lại cho đúng tỷ lệ. Ông cũng xóa đi một số họa tiết do các học trò vẽ lên trước đó vì chưa chính xác. "Phải chờ thầy Tin đến xem lại thôi. A chua này không làm ẩu được vì nó gần như là "linh hồn" của cả nhà mồ. Sai một chút có bị thầy la cũng được nhưng không sửa thì còn ảnh hưởng hệ trọng đến vấn đề tâm linh", ông Trần Văn A Hinh (49 tuổi, trú tại thôn 8, xã Thượng Long) cười ngượng.
Theo quan sát, nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu được làm hoàn toàn bằng gỗ với kết cấu mộng rất chắc chắn. Nhà có 6 cột chính, trong đó 2 cột giữa cao vượt trội kéo theo 2 mái khá dốc. 4 chiếc kèo xuôi về 2 bên là nơi đặt tổng cộng 6 xà ngang. Phía chân đế nhà mồ là 4 tấm ván thưng dày, được lắp ghép vào 6 chiếc cột. Mái của nhà mồ được lợp bằng ống nứa chẻ đôi, sắp xếp theo hình máng xối sấp ngửa. A chua sẽ được úp lên phần chóp ở điểm giao nhau của 2 mái nhà mồ. Đó là phần trang trí cầu kỳ, hết sức đẹp mắt với 1 đầu tạc hình đầu trâu, 1 đầu hình sơn dương.
Chỉ cần nhìn vào a chua, người ta sẽ đánh giá được tay nghề của người dựng nhà. Và ông Phạm Xuân Tin luôn khiến học trò kính nể vì trình độ điêu khắc đỉnh cao của mình. Bằng chứng là a chua đã mang lại giải nhì cho ông tại Trại sáng tác điêu khắc truyền thống người Cơ Tu H.Nam Đông lần thứ 1 - 2023. Lý giải ý nghĩa a chua, ông Tin cho biết theo phong tục của người Cơ Tu, đầu sơn dương biểu thị cho con vật gần gũi nơi núi rừng, còn đầu trâu là thể hiện lòng thành của người sống với người đã khuất. Đó là vật tế khi mở hội bốc mả được mô tả lại trên a chua. Nhìn vào đó, người ta sẽ đánh giá được nhà nào có điều kiện đã mổ trâu, bò, nhà kém hơn thì dê, gà, heo…
Tương tự phần quan tài độc mộc cũng thể hiện trình độ điêu khắc của nghệ nhân. Đó là thân gỗ được xẻ làm đôi, phần trên là nắp được tạc khá giống với a chua, phần dưới khoét lỗ để bỏ hài cốt sau khi cất bốc. Từ nhà, a chua, quan tài… đều được sơn trang trí 3 màu đen, đỏ, trắng. Những họa tiết ở nhà mồ thể hiện cái nhìn trực quan của người Cơ Tu với thế giới xung quanh đã được hình tượng hóa, như: những chòm sao, cây dương xỉ, lá cây tà vạc…; hình động vật như tắc kè, gà trống, rắn…
"Dựng nhà mồ, điêu khắc tượng, vẽ trang trí… đều dễ học nhưng có đẹp hay không là tùy vào năng khiếu của mỗi người. Tất cả những anh em, con cháu đang dựng nhà mồ này đều là học trò của tôi. Mới đây, tôi cũng đứng lớp truyền dạy cho 20 người nhằm bảo tồn nghệ thuật nhà mồ ở xã Thượng Lộ. Tôi mừng vì đã có thế hệ kế cận. Nỗi lo thất truyền cũng vơi đi khi những học trò như A Hinh năm ngoái đi thi điêu khắc với tôi cũng đạt giải khuyến khích…", nghệ nhân Phạm Xuân Tin trải lòng. (còn tiếp)
Bình luận (0)