Khép mình bên hồ Lắk thơ mộng, buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề làm gốm cổ truyền thống của người M'nông R'lăm.
Gốm cổ gắn liền với đời sống của người dân nơi đây, sau nhiều thế hệ, nghề gốm vẫn được các nghệ nhân lưu giữ đến ngày nay. Gốm cổ Yang Tao có màu đen đặc trưng, từ cách nhào nặn của nghệ nhân cũng có thể thấy được sự độc đáo.
Về hồ Lắk xem nghệ nhân M’nông làm gốm đen
Ngày xưa, khi giao thương với người Ê Đê ở các buôn làng khác, gốm Yang Tao trở thành sản phẩm có giá trị là nguồn thu nhập chính của người dân. Những năm sau 90, khi thị trường xuất hiện gốm từ nơi khác xuất hiện, bà con làm gốm Yang Tao lúc bấy giờ trở nên khó khăn, khiến gốm đen không còn cơ hội để cạnh tranh…
2 nghệ nhân H'Huyên BHôk (49 tuổi) và H'Lưm Uông (63 tuổi) là 2 nghệ nhân tiêu biểu trong số nghệ nhân làm gốm cổ trong buôn.
Nghệ nhân H'Huyên cho biết, để làm được gốm Yang Tao phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bà phải thức dậy từ sáng sớm đi lấy đất ở khu vực thác Bìm Bịp (buôn Năm Pă, xã Yang Tao) và về trước 10 giờ sáng. Sau khi lấy đất, bà sẽ dùng chày giã đất nhằm tạo độ mịn và tăng tính kết dính.
Tiếp đến, bà vừa đi vòng tròn vừa nặn gốm. Sau đó, bà dùng viên sỏi để cà mịn bề mặt gốm rồi đem đi nung. Để tạo nên màu đen đặc trưng, bà đốt lửa rơm để nung gốm khoảng 15 đến 30 phút (tùy sản phẩm) và dùng tro rưới lên. Nếu nung quá 30 phút, gốm sẽ bị nứt. Cuối cùng, bà dùng viên sỏi để cà mịn bề mặt gốm thêm một lần nữa.
Mỗi khi nhắc đến chuyện “giữ hồn” gốm cổ Yang Tao, các nghệ nhân luôn nhắc đến nữ tiến sĩ Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk). Họ nói rằng nếu không có tiến sĩ Lương Thanh Sơn thì nghề gốm cổ đã mất đi.
Hiện nay, các sản phẩm gốm Yang Tao trở nên đa dạng với nhiều hình thù khác nhau. Nghệ nhân không chỉ làm các sản phẩm gốm, như: chén, lọ hoa, cồng chiêng,… mà còn nhào nặn thành các con vật để phục vụ du khách.
Bình luận (0)