Cả 7 thế kỷ làm nghề của làng gốm Bát Tràng (thế kỷ 14 - 20) được gói gọn trong trưng bày chuyên đề Gốm cổ Bát Tràng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội từ 18.5 - 30.9. "Làng gốm Bát Tràng làm ra nhiều vật phẩm gốm quý mang sắc thái riêng, qua nhiều thế kỷ được ưa chuộng từ làng xã đến cung đình, từ đồ thờ cúng dân gian đến cống phẩm ngoại giao", TS Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, cho biết.
Những tác phẩm gốm cũng được lựa chọn theo từng thời kỳ phát triển của làng. Thế kỷ thứ 14 là thời kỳ gốm Bát Tràng phát đạt nhờ chính sách công thương cởi mở. Thế kỷ 15 - 16, Bát Tràng là trung tâm sản xuất chuyên môn hóa với các sản phẩm có kỹ thuật, mỹ thuật cao, vừa bán trong nước vừa xuất khẩu. Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, gốm Bát Tràng vẫn có thị trường tiêu thụ đáng kể trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và gạch xây dựng… "Triển lãm cũng cho thấy Bát Tràng là bảo tàng sống về lịch sử gốm sứ VN", ông Đoàn cho biết.
Gốm cổ thế kỷ 14 được chọn triển lãm có thạp hoa nâu đắp nổi hình rồng tô men nâu và vẽ men chàm mờ, đĩa hoa lam… Được lựa chọn như vậy do đây là thời kỳ Bát Tràng xưa chủ yếu sản xuất bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm "men tiền lam". Gốm "men tiền lam" là dòng gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng, hoa văn chủ yếu là đường chỉ, hoa lá được vẽ hết sức thô phác, mờ nhạt. Dòng gốm này mau chóng đạt trình độ xuất sắc vào thế kỷ 15…
Thế kỷ 19 - 20, Bát Tràng cũng phải "xoay" theo thị hiếu chuộng gốm sứ Trung Quốc của giới thượng lưu. Theo đó, đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này bên cạnh các đề tài truyền thống, còn thấy xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Quốc như "Ngư ông đắc lợi", "Tô Vũ chăn dê", "Tam quốc chí", "Bát tiên quá hải"… Hiện vật được trưng bày có cặp đế chậu men rạn vẽ lam, đề tài Long Mã - Hà Đồ/Thần Quy - Lạc Thư; hũ men rạn vẽ lam, đề tài sơn thủy…
Bình luận (0)