Nhật trình kể chuyện: Khi nhà báo tác nghiệp

17/06/2022 06:34 GMT+7

Để có nguồn tin, chất liệu viết bài, các ký giả dạo xưa hoặc đến cơ quan công quyền, hoặc bí mật nhập vai điều tra; hoặc dịch tin nước ngoài, thậm chí là xuất tiền ra nước ngoài trực tiếp đưa tin.

Nào tin Sở Cẩm, nào tin quần chúng

Một trong những nguồn tin hữu dụng để viết báo, ấy là ở cơ quan công quyền, cụ thể ở đây, chính là các sở cảnh sát, tòa án... Trong Vào làng cầm bút, tác giả Toan Ánh có dẫn ra trường hợp năm 1934, người bạn làm báo Nguyễn Kim Thu (bút danh Kiếm Thu) để có được tin tức viết báo, “tuy ở Cổng Hậu, thị xã Bắc Ninh nhưng hằng ngày anh thường phải lui tới Đáp Cầu và Thị Cầu để thu lượm tin tức, nhiều nhất là tại sở Cẩm Đáp Cầu”. Ở Hà Nội, theo lời Vũ Bằng trong hồi ký báo chí Bốn mươi năm “nói láo” thì tin tức báo chí được lấy ở Sở Cẩm Hàng Đậu và Hàng Trống. Trong bộ máy làm việc của báo Tin mới do Tam Lang làm chủ bút, có phân vai người lấy tin ở sở cẩm và sở liêm phóng là thi sĩ Thao Thao và nhà văn Nguyễn Đình Lạp.

Ngoài những tin tức của nhà nước, thì đội ngũ phóng viên của tòa soạn là những người trực tiếp đi săn tin, viết bài. Lại để có được những tin tức ở các tỉnh, thành khác, báo còn có đội ngũ thông tín viên cộng tác lấy tin, viết bài gửi về. Vũ Bằng cho biết dạo Nguyễn Tuân ở Thanh Hóa, đã làm thông tín viên cho báo Trung Bắc Tân văn. Điểm này được Thiên Tướng xác tín khi tâm sự rằng lúc Nguyễn Tuân bị quản thúc ở quê, chính Nguyễn Doãn Vượng và Thiên Tướng đã vào Thanh Hóa mời Tuân làm phóng viên cho báo. Phạm Cao Củng thì làm phóng viên cho Bắc Kỳ thể thao tại Nam Định.

Đối với báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương, nguồn thông tin dồi dào, được cho hay là từ quần chúng cung cấp, như lời Chặng đường nóng bỏng ghi: “Báo của chúng ta có hàng nghìn thông tín viên quần chúng, phản ánh rất thiết thân lên báo tin tức đấu tranh sôi nổi của chính mình, đặt rõ ràng lên mặt báo những yêu sách của mỗi cuộc đấu tranh”. Tờ Tin tức nhận được nguồn tin quá nhiều gửi về đến nỗi đăng không xuể: “Tin đấu tranh của anh em gửi về mỗi ngày một nhiều, báo đăng không xuể, chúng tôi phải lập thành bảng thống kê tuần hai lần đăng lên báo”.

Với việc lấy tin, cũng có phóng viên lợi dụng để làm ăn trái với đạo đức của nghề. Nguyễn Công Hoan đã lên án loại đồng nghiệp bất lương này khi “một số phóng viên, đi nhặt tin cho báo, thì chỉ soi mói việc tư nhà người ta để nói xấu, hoặc bịa đặt ra để nói xấu, và để, nếu được món tiền đút lót, thì ỉm việc ấy đi. Ngày ấy gọi việc này là làm chantage (săng ta). Con sâu làm rầu nồi canh. Anh làm báo xấu làm

ô danh anh làm báo chân chính”, Đời viết văn của tôi ghi.

Báo Tin mới số 52, ngày 1.4.1940, của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện

TƯ LIỆU

Tam Lang làm phu xe viết Tôi kéo xe

Những tin tức thực tế cần tác nghiệp hiện trường là vậy. Cũng có báo, với tiềm lực của mình, trước những vấn đề được xem là quan trọng, thời sự, và còn là để báo mình nhanh nhạy, khác biệt để cạnh tranh tin tức với báo bạn, đã xuất tiền để phóng viên tác nghiệp ở cả nước ngoài, như trường hợp Tế Xuyên của báo Sài Gòn đã đáp tàu bay ra nước ngoài để đưa tin chiến sự. Báo Phụ nữ Tân văn thì thông tin tự xuất quỹ để bỉnh bút Cao Văn Chánh sang châu Âu “vừa là đi nghiên cứu học vấn, vừa làm phóng sự cho bổn báo”.

Có những bài như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn cần trí tưởng tượng bay bổng của văn thi sĩ hơn, nên lúc này, sự viết, sáng tác lại không cần phải thực địa lắm. Tất nhiên cũng có ngoại lệ kiểu phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang, tác giả nhập vai cu li xe đến vã mồ hôi, hoa cả mắt mới có được thiên phóng sự để đời trên Hà thành Ngọ báo.

Ngoài những tin bài tác nghiệp hiện trường, hoặc lấy tin nơi các cơ quan công quyền, nhiều báo còn có những mục tin tức Đông Dương, thế giới. Muốn có được những tin tức xa như thế, có một số cách được báo chí thực hiện. Hoặc là dịch tin từ các báo nước ngoài gửi về, hoặc là nghe đài để dịch tin tức. Hoạt động này được sách Nghề làm báo của Nguyễn Văn Đính đề cập. Trường hợp lấy tin bài nước ngoài của báo Tin mới do bác sĩ Nguyễn Văn Luyện làm chủ, có thể xem là một minh họa sinh động qua lời kể của Phạm Cao Củng.

Để có tin nước ngoài cho báo Tin mới, tòa soạn có một chuyên viên điện tín là anh Tuất chuyên nghe radio, “ông Luyện chỉ định cho anh Tuất cứ đúng giờ là bắt tín hiệu các hãng thông tấn lớn như Tass của Nga, Reuters của Anh, AFP của Pháp. Tuất nhận tin bằng dấu Morses, viết lại bằng chữ thường tiếng Anh, giao sang cho cô Mai [con gái bác sĩ Luyện] dịch ra tiếng Việt”. Từng có thời gian tham gia việc dịch tin nước ngoài, Phạm Cao Củng thấy rằng, lấy tin nước ngoài rất cực vì thời gian không nhất định, lại có những thuật ngữ khó phải tìm từ sát nghĩa cho hợp.

(còn tiếp)

Nhật trình kể chuyện

Hiểm nguy nghề ký giả

Những con số… đau đầu

Đời báo và tên báo

Những mối duyên cộng hưởng

Rộn ràng làng báo Bắc - Trung - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.