Nhậu say, ai đưa 'em' về?: Bị sập nguồn… bớ ai hay!

01/11/2018 09:41 GMT+7

'Hủ hèm', dù thâm niên hay mới tập tễnh, chắc chắn không ít lần mở mắt nhìn trần nhà với sự hoang mang: Ủa sao mình về được đến đây ta? Chỗ nào đây? Một trạng thái mà giới chuyên môn gọi là blackout (sập nguồn).

Vừa xiết ga, vừa nhắn, gọi tứ tung

Cho đến giờ, Trần Văn Tiều (chủ một cơ sở in ấn ở Q.6, TP.HCM) vẫn không hiểu tại sao anh lại có thể “nhấn chìm” điện thoại của mình vào hồ cá ở góc sân nhà. 

Bữa đó, tàn chầu nhậu “ứng huê hồng”, Tiều bắt mọi người phải uống hết số bia còn trên bàn, đồng thời, dốc hết chai rượu xịn vào ly mình, nốc luôn một phát. Kẻ xin lui, người còn trụ lại làm “group cuối”, rồi lại “group cuối” nữa…

Dĩ nhiên, chủ xưởng in phải bản lĩnh đến phút chót. Tuy nhiên, từng vòng bia cuối cầm chừng ấy, cũng là lúc những “người hùng ly-chai” mỗi tay một tật. Tiều vẫn duy trì thói quen cũ khi say. Chàng bắt đầu xộc vào danh bạ điện thoại. Cười nói sảng khoái với những bạn bè có khi cả năm chưa gặp, hí hoáy nhắn tin Zalo cho mấy “bạn tìm quanh đây”… và cứ thế, cho đến khi cả bàn đã đứng dậy.

Suốt đoạn đường từ quán về nhà, Tiều “đánh đu” cùng 2 điện thoại trên chiếc SH xé gió. “Sếp chạy như xung quanh không một bóng người, rồi mất hút”, một nhân viên của Tiều thuật lại.

Mở mắt ra. Sếp Tiều thấy mình đang nằm trên sofa. Quần áo giày dép còn nguyên. Cuống họng khô khốc. Anh không thể tự ngồi dậy ngay được. Nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ. Sáng thứ bảy vắng lặng. Cửa nhà không móc khoá và mảnh giấy dán trên tủ lạnh: “Tôi đưa mấy đứa nhỏ về ngoại”.

Gã đàn ông trẻ giật mình, đổ mồ hôi hột bởi ý thức dần trở lại với câu hỏi: chuyện gì đã xảy ra vậy? Anh hoàn toàn không thể nhớ đã về nhà bằng cách nào, làm sao có thể dắt xe lên các bậc tam cấp, rồi xếp gọn gàng vào góc nhà thường ngày… Tiều vội tìm điện thoại để gọi cho vợ, nhưng vô phương. Cả 2 chiếc, một cùi bắp, một xịn ở đâu mất. Lục tung khắp nhà, tìm trong cặp da, cốp xe… đều không có. Anh chạy xuống nhà nhờ hàng xóm gọi vào 2 số máy. Tất cả chỉ một tín hiệu “ò e í”.

Hình ảnh cuối cùng về chiếc điện thoại mà chàng doanh nhân 35 tuổi này nhớ là vào đêm tiếp đối tác, anh móc điện thoại ra nhắn, gọi cho bất cứ ai có trong danh bạ. Quay vào trong sân nhà, Tiều càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện điện thoại nằm trên thành hồ cá cạnh chậu mai và nó đã sũng nước.

“Coi như tiêu”, Tiều thầm nghĩ đến viễn cảnh bao nhiêu dữ liệu quan trọng, nhất là số liên lạc mối mang, nhà cung cấp đã mãi mãi ra đi. Chầu nhậu “vô giá” đã khiến chàng doanh nhân mất ăn mất ngủ cả tuần vì tiếc, vì bực tức bản thân và vì cảm giác rùng mình mỗi khi nghĩ lại tình trạng hoàn toàn không hay biết gì kể từ lúc rời bàn nhậu cho đến khi… may mắn tỉnh lại tại nhà.

Ai trông giống… mình quá vậy!

Theo Trung tâm cai nghiện Mỹ (một hệ thống chữa trị các chứng bệnh liên quan đến nghiện (rượu, ma túy....), các “đệ tử Lưu Linh” rơi vào tình trạng như Tiều được gọi là blackout - sập nguồn (điện). Đây là trạng thái mất trí nhớ tạm thời do lạm dụng rượu (hoặc ma túy). Thường gặp nhất đối với trường hợp đã uống quá nhiều rượu, bia. 

Ngoài ra, còn có trình trạng sập nguồn… nhẹ, xảy ra với những tay thường xuyên say xỉn. Có lần tôi chứng kiến đồng nghiệp mình cứ liên tục qua cụng ly một ca sĩ nổi tiếng ngồi bàn bên cạnh. Ông nhà báo say mèn cứ phấn khởi khen sao trông cô giống nàng ca sĩ nọ quá vậy! Tất cả mọi người hiện diện đều cười nghiêng cười ngả. Anh ra về với trạng thái ngất ngây: đưa hình người giống ca sĩ nổi tiếng lên tường Facebook nhà mình!

Cô ca sĩ cũng phấn chấn cụng ly tới tấp vì một phen trải nghiệm thú vị: lần đầu tiên được khen mình giống… chính mình. Còn tôi, từ đó, không bao giờ dám cho rằng chuyện người say đứng trước gương tự hỏi “ai mà giống mình quá ta” là hoang đường nữa!

Nhậu quả là vui, nhưng cần uống có trách nhiệm! Nhất là, không thể về nhà trong tình trạng sập nguồn. Nhẹ thì cũng lãnh lậu quả như Tiều. Ngoài ra, có biết bao nhiêu nguy cơ rình rập “hại mình, hại người” suốt trong trạng thái lái xe blackout? Có mấy ai tin chuyện chiếc BMW lao vào đám đông xe máy ở ngã tư Hàng Xanh là do chiếc gót giày, hay người điều khiển cũng đang trong trạng thái sập nguồn?

Đọc những dòng tâm sự của Nicole Lafreniere (California, Mỹ) đăng trên các tạp chí quốc tế về ngã rẽ cuộc đời xảy ra vào tháng 2.2002, sẽ thấy sự hối hận khôn nguôi chất chứa trong từng câu chữ của cô gái trẻ.

Cô mở đầu tâm sự đã cạn khô nước mắt bằng câu nói có vẻ ráo hoảnh: “Tôi đã lái xe trong tình trạng say rượu và đã giết chết 3 người”. Rồi những gì Nicole tiếp tục thốt ra cứ tiệm tiến dần đến những hụt hẫng thật sự sâu thẳm:

"Tôi là một cô gái bình thường, lấy bằng lái xe, vui với bạn bè... và bỗng vào trại giam."

"Thứ bảy, ngày 23.2.2002, là ngày bình thường cuối cùng trong đời tôi. Một tuần trước đó, tôi tìm được công việc lần đầu tiên trong đời tại một tiệm tóc ở thành phố quê hương Livermore. Đây là công việc mà tôi hết sức yêu thích và tôi muốn kỷ niệm niềm vui vào đời của mình tại quán bar cùng những người bạn thân."

"Không lâu sau đó, vào khoảng 2 giờ sáng, tôi thấy mình ngồi sau tay lái chiếc Camaro 2000 trong tình trạng ngất ngư, dù đã được cảnh báo rằng mình đã xỉn… Khi băng qua cây cầu, tôi rẽ vào một giao lộ và mất kiểm soát. Chiếc Camaro quay sang bên phải, xoay tròn, chồm lên vỉa hè, tiếp tục quay. Nó chỉ dừng lại khi đâm sầm vào một cái cây. Chiếc xe gần như bị xé toạc."

"Trên xe lúc đó có tất cả 6 người và tôi là người duy nhất đeo dây an toàn. Cảnh sát tìm thấy tôi bị mắc kẹt phía sau vô lăng đã cong vòng. Ba người bạn trai ở hàng ghế sau đã chết khi nhân viên cứu hộ đến hiện trường. Một người khác bị chấn thương đầu gối, cổ tay và lưng còn một người nữa bị văng ra khỏi xe. Cảnh sát tìm thấy anh bất tỉnh cách xa hiện trường với đa chấn thương đầu, ngực và đầu gối."

Qua những tháng ngày tù tội, cho đến mãi về sau, Nicole vẫn cho rằng: Tôi không muốn bị bất cứ ai thuyết phục hay an ủi rằng tôi vô tội.

Tại thời điểm xảy ra tai nạn, cảnh sát ghi nhận hàm lượng cồn trong máu của cô gái ở ngưỡng khiến cơ thể rơi vào trạng thái sập nguồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.