Nhiệt điện Ô Môn 2 sẽ có giá bán điện lên tới hơn 2.500 đồng/kWh?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
02/11/2020 08:55 GMT+7

Bộ KH-ĐT cuối tuần qua đã trình Thủ tướng báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2 (tại Trung tâm điện lực Ô Môn, TP.Cần Thơ).

Đây là dự án lớn, thuộc nhóm A, của liên danh nhà đầu tư Tổng công ty CP thương mại xây dựng (Hà Nội) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Số vốn sơ bộ lên tới 1,31 tỉ USD (hơn 30.500 tỉ đồng), có tổng công suất 1.050 MW, sử dụng công nghệ tuabin khí. Dự kiến hoàn thành dự án vào quý 4/2025, vận hành thương mại vào tháng 12.2025.
Về cơ bản, cơ quan thẩm định cho hay dự án đáp ứng các điều kiện về vốn, công nghệ, đã có trong quy hoạch điện lực... Tuy nhiên, điểm khiến cơ quan chuyên môn lưu ý là phương án giá điện khi đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Bộ KH-ĐT cho hay hiệu quả tài chính của dự án (tỷ suất hoàn vốn FIRR: 12%) được tính toán trên cơ sở giá bán điện năm 2020 lên tới 2.563 đồng/kWh, tương đương 11,02 US cent/kWh, trong khi giá bán điện bình quân đang áp dụng hiện nay chỉ là 1.864,44 đồng/kWh. Cùng với đó, dự án còn kiến nghị Chính phủ một số cơ chế như bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh cung cấp khí. “Dự án chưa đảm bảo hiệu quả tự thân, hiệu quả dự án chỉ bảo đảm khi nhận được các hỗ trợ của Chính phủ”, Bộ KH-ĐT nhận định.
Trong khi đó, Bộ Công thương cũng cho rằng giá bán điện của dự án này (quy về năm 2020) lên tới 2.536 đồng/kWh là cao hơn so với giá bán điện 2.516 đồng/kWh vào năm 2026 của dự án Ô Môn 4 đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (có quy mô công suất và thời gian thực hiện tương đương).
Vì vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, nhà đầu tư rà soát, phân tích kỹ tính cạnh tranh, khả thi về giá điện của dự án so với một số dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước và LNG nhập khẩu như Nhiệt điện Ô Môn 4, Nhơn Trạch... Bộ KH-ĐT đề nghị nhà đầu tư đàm phán về nguyên tắc với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để dự kiến giá điện hợp lý (thấp hơn giá đề xuất trong hồ sơ dự án), đảm bảo phù hợp với các quy định về thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi dự án đi vào hoạt động.
Ngoài ra, theo đề xuất của liên danh, dự án cần được bao tiêu sản lượng điện là 6.000 giờ/năm. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư thông thường (chủ đầu tư tự xây dựng, sở hữu và vận hành chứ không theo hình thức đối tác công tư), do đó, sẽ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.