DỪNG CHỜ ĐÈN THẤY MẶT ĐƯỜNG "BỐC HƠI"
Trước thời tiết nắng nóng, nhiều người tỏ ra lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là làn da. Cảm thấy "sốc" với thời tiết trong những ngày qua, Phạm Thị Thuận Ý (25 tuổi), làm việc tại số 12 Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3, TP.HCM, cho biết: "Mình đi bộ từ chỗ làm đến quán ăn chưa đầy 5 phút mà mồ hôi đã đầm đìa, quên che chắn là da ửng đỏ lên hết. Thời tiết oi bức cũng khiến cơ thể khó chịu, dễ bị sốc nhiệt khi từ ngoài đường vào phòng bật điều hòa. Làn da của mình dễ nổi mụn, các nốt tàn nhang cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thật sự không thể nào lơ là sức khỏe của làn da trong những ngày này".
Còn Ngô Thị Lan Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng bày tỏ sự khó chịu khi phải đi học thể chất trong thời tiết "nóng như cái lò than" những ngày này. Nữ sinh viên này cho biết cô đã trang bị thêm kem chống nắng, áo khoác nhưng không ăn thua. "Da mình thuộc dạng khá nhạy cảm, đi nắng một chút là dễ bị ửng đỏ. Có hôm mình quên đeo bao tay khi đi học, đến khi về nhà là da bỏng rát, khó chịu vô cùng. Nắng gắt là kẻ thù của làn da, vì vậy mình luôn cố gắng che chắn, hạn chế ra đường vào giờ trưa, cũng như bôi kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà", Lan Anh chia sẻ.
Vài ngày gần đây, khi đi từ nhà trọ đến trường học, Nguyễn Bích Ngọc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cảm nhận thời tiết rất oi bức, nóng nực. "Dừng chờ đèn đỏ ở trên đường, mình cảm thấy mặt đường "bốc hơi" nóng rát vào mặt. Vào đến trường, áo mình ướt đẫm mồ hôi. Ngoài giờ học tại trường, mình đến các quán cà phê có máy lạnh để ngồi làm bài tập chứ không thể về nhà trọ vì phòng quá nóng và không có máy điều hòa", Ngọc nói.
Trước khi ra khỏi nhà, Ngọc sẽ đeo khẩu trang, che chắn người bằng váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, tất chân có độ dày. Cô gái này thường chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi và bảo vệ được da khỏi tia cực tím.
"Tiết trời oi bức, mình uống nước đá liên tục, thường xuyên mở máy lạnh nên có biểu hiện khô rát cổ họng. Dù đã đội nón, trang bị đồ dài tay, đeo khẩu trang nhưng mình vẫn cảm thấy khó chịu, rát da khi ra đường. Khi bước vào nhà, mình bị hoa mắt, mọi vật đều là màu đen, mờ mờ, mất vài chục giây sau thì mắt mình mới nhìn lại được bình thường", Nguyễn Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ.
Những ngày qua, Hoàng Thị Thu Trang (22 tuổi), đang trọ tại chung cư Bcons (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy "cháy da, vàng mắt" mỗi khi ra ngoài, cơ thể đổ nhiều mồ hôi dù những lúc ở nhà. Tiết trời oi bức khiến Trang ăn không nổi, chỉ muốn uống nước. Trang cho biết: "Thời tiết như thế, mình không muốn đi ra ngoài buổi trưa. Đồ ăn trưa, mình đặt shipper (người giao hàng) mang đến tận nhà".
UỐNG ĐỦ NƯỚC, ĂN NHIỀU RAU CỦ QUẢ
Để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết nắng nóng oi bức, PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ: "Nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, vì thế mọi người nên uống nhiều nước và đúng cách để bù lại lượng nước đã mất qua bài tiết. Nước lọc mình hay xem là không có lợi ích nhưng thật ra nước lọc là một loại thực phẩm, chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Người trẻ nên chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống, một người uống khoảng 1 - 1,5 lít nước/ngày. Để biết mình có uống đủ nước hay không là tự xem nước tiểu của mình. Nếu nước tiểu vàng nhạt hoặc trong là mình uống đủ nước, nước tiểu vàng sậm là thiếu nước".
Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, khi ra đường, người trẻ nên giữ mát, che chắn cơ thể, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hạn chế lượng nước bị mất. Những thời điểm nắng nóng nhiều, mình chỉ ra ngoài đường khi thật sự cần thiết.
"Trong chế độ ăn uống hằng ngày, người trẻ cần ăn đầy đủ các loại trái cây, rau củ để cung cấp chất khoáng hỗ trợ cho cơ thể, cung cấp lượng nước đã mất qua mồ hôi. Nước lọc là quan trọng nhất, thứ hai là rau củ quả. Không quá lưu ý đến ăn loại rau củ quả nào sẽ tốt cho cơ thể trong thời tiết nắng nóng mà cần ăn phong phú các loại rau, trái cây. Mình không cần chú trọng, hôm nay ăn trái này, ngày mai ăn trái khác, mình cần ăn phối hợp các loại trái cây. Những trái cây có nhiều nước như dưa hấu, cam, quýt, nước dừa giúp giải nhiệt tốt hơn", bác sĩ Niên cho biết.
Còn thạc sĩ - bác sĩ da liễu Phạm Cẩm Thúy, làm việc tại Phòng khám da liễu Em Mây Skin Center, cho biết nhiệt độ cao khiến các lỗ chân lông giãn nở, da tiết dầu nhiều hơn và tia UVA, UVB, UVC từ ánh nắng mặt trời làm tổn thương đến làn da gây nên mụn, sạm, nám. Nhất là sau 30 tuổi, da đã bị lão hóa thì tình trạng nám sẽ nặng hơn nếu không có các biện pháp bảo vệ da đúng cách. Trong các nhóm tia UV từ ánh nắng mặt trời thì UVC là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ bị ung thư trên nền da.
Theo bác sĩ Thúy, để bảo vệ làn da khỏe mạnh trước thời tiết nắng nóng cần: "Che chắn kỹ không cho da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tuy nhiên việc này cũng chưa đủ để bảo vệ làn da. Cần bôi kem chống nắng phổ rộng lặp lại ít nhất 2 tiếng 1 lần để tạo ra một màn bảo vệ tốt nhất trên làn da. Bên cạnh đó, có thể bổ sung những loại viên uống chống nắng để tăng cường sức đề kháng cho da".
Bình luận (0)