Nhiều bất ngờ về nhịp lũ sông Mekong đầu mùa

Chí Nhân
Chí Nhân
04/08/2024 10:26 GMT+7

Trong khi mực nước lũ vùng hạ lưu sông Mekong trong tháng 7 cao hơn trung bình nhiều năm thì thượng nguồn lại thấp. Điều bất ngờ tiếp theo là dự báo mực nước lũ ở hạ nguồn trong tháng 8 sẽ trở lại trạng thái thấp hơn trung bình nhiều năm.

Lũ bất ngờ cao, dù thượng nguồn tích nước

Dẫn số liệu từ Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Trong tháng 7, tại trạm Kratie (Campuchia) mực nước khá cao và có xu thế tăng mạnh với cường suất trung bình 27,5 cm/ngày, tăng mạnh nhất trong thời đoạn từ ngày 14 - 23.7 với cường suất trung bình đến 60 cm/ngày. Từ ngày 18.7 đến cuối tháng 7, mực nước tại trạm này vượt mức trung bình nhiều năm và cao hơn cùng thời điểm năm 2011 (năm có lũ khá cao).

Nhiều bất ngờ về nhịp lũ sông Mekong đầu mùa- Ảnh 1.

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 7 đạt mức cao hơn trung bình nhiều năm

CÔNG HÂN

Đến ngày 1.8, mực nước tại trạm Kratie là 18,7 m; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ cao hơn 2,01m và cao hơn năm 2023 là 3,06m. Tại Biển Hồ, mực nước đạt 3,81m thấp hơn trung bình nhiều năm 0,49m nhưng cao hơn năm 2023 là 1,23m.

Đối với vùng ĐBSCL, mực nước lũ chịu sự tác động từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, lượng mưa tại chỗ và thủy triều. Mực nước trong tuần qua ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp và có xu hướng giảm với cường suất trung bình 2,5 cm/ngày do biến đổi theo triều. Tại trạm Tân Châu trên sông Tiền mực nước cao nhất ngày 31.7 đạt 2,11 m; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,22m và cao hơn năm 2023 là 0,28m. Tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mực nước đạt 1,92m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,05m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,05m.

Nguyên nhân là do gió mùa tây nam hoạt động mạnh và hoàn lưu cơn bão số 2 gây mưa ở mức khá cao ở hạ lưu vực sông Mekong. Lượng mưa tích lũy trong tháng 7 ở hạ lưu vực phổ biến từ 75 - 300 mm và trên 300 mm. Riêng khu vực đông bắc Campuchia do ảnh hưởng mạnh của áp thấp nhiệt đới giữa tháng 7 gây mưa trên khu vực này, lượng mưa phổ biến từ 300 - 1.000 mm, một số nơi trên 1.000 mm. Đây là yếu tố làm lũ trên dòng chính sông Mekong khu vực hạ Lào và Campuchia tăng mạnh trong tháng 7. Mực nước và lưu lượng tại trạm Kratie (Campuchia) tuần qua ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ mực nước 2011 - năm có lũ lớn.

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong), trong khi diện tích ngập lũ theo mùa hiện tại ở vùng hạ nguồn sông Mekong là 10.360 km2, nhiều hơn khoảng 1.000 km2 so với cuối tháng 7 năm ngoái thì ở một số khu vực thượng nguồn, mực nước sông đang ở mức thấp. Cụ thể, mực nước sông tại Chiang Saen (Thái Lan) thấp hơn bình thường hơn 2m và ước tính 50% lưu lượng dòng chảy tự nhiên của sông hiện đang bị giữ lại bởi các con đập thủy điện ở thượng nguồn. Mực nước sông phía trên Pakse (Lào) cũng thấp hơn bình thường. "Mực nước tại tất cả trạm đo trên khắp sông Mekong đều đang có xu hướng giảm", các chuyên gia của MDM cho biết.

Trong tuần cuối tháng 7, các con đập thủy điện lớn trên sông Mekong đã tích tổng cộng 1,65 tỉ mnước; đáng kể như đập Tiểu Loan (Trung Quốc) tích 921 triệu m3, Nam Ngum 1 (Lào) giữ lại 220 triệu m3.

Lũ đột ngột vơi, triều cường cao

Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo, lượng mưa trên hạ lưu vực sông Mekong trong tháng 8 phổ biến xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,25 - 1 mm/ngày.

Do đó, lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 8 được dự báo ở mức thấp tuy nhiên có xu thế tăng. Mực nước lớn nhất trong tháng 8 tại trạm Tân Châu được dự báo dao động ở mức 2,8 - 3m. So với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn từ 0,14 - 0,34 m nhưng cao hơn năm 2023 từ 0,39 - 0,59 m.

Tại Châu Đốc được dự báo dao động ở mức 2,5 - 2,7 m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn từ 0,06 - 0,26 m nhưng cao hơn năm 2023 từ 0,22 - 0,42 m.

Dù lũ đầu nguồn sông Cửu Long thấp nhưng triều cường dự báo ở mức khá cao, có nhiều nguy cơ gây ra ngập úng trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc các tỉnh vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, đặc biệt trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.

"Lũ đầu vụ đến cuối tháng 8 ở mức thấp, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất nằm ngoài ô bao trên địa bàn các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Long An vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp ứng phó kịp thời", SIWRP khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.