Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm với xu thế xuống dần và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN: 2012 - 2023) từ 0,15 - 1,5m. Dung tích Biển Hồ (Campuchia) cũng ít hơn TBNN khoảng 0,14 tỉ mét khối. Nước thượng nguồn về ít là điều kiện thuận lợi để các đợt triều cường đẩy nước biển vào sâu trong các nhánh sông gây nên tình trạng mặn xâm nhập ở ĐBSCL.
Tính đến ngày 10.4, có đến 25/28 trạm đo ở ĐBSCL độ mặn cao nhất đã cao hơn với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trên sông Hàm Luông (Bến Tre) độ mặn đo được lớn hơn cùng kỳ năm 2023 đến 7,6 g/l, nhiều trạm cao hơn cùng kỳ năm trước phổ biến mặn hơn từ 3 - 5 g/l.
Hiện tại, đang trong đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch, sẽ kéo dài đến ngày 13.4. Trong đợt triều cường này, nơi ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khu vực Nam bộ đó là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An), từ 90 - 105 km; các nhánh sông Tiền - Hậu từ 45 - 60 km, sông Cái Lớn 45 - 50 km.
Sau đó, đến cuối tháng 4 lại Nam bộ lại tiếp tục đón đợt triều cường rằm tháng 3 âm lịch, tương ứng từ ngày 22 - 28.4. Đây là đợt triều cường cao, đẩy ranh mặn 4‰ tiếp tục xâm nhập sâu vào các nhánh sông chính ở ĐBSCL thêm khoảng 5 km. Cụ thể như sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ 90 - 110 km, các nhánh sông Tiền - Hậu từ 50 - 60 km, sông Cái Lớn 45 - 55 km.
Các chuyên gia khuyến cáo: Để tránh mặn hiệu quả, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, rủi ro thiên tai do mặn xâm nhập ở ĐBSCL ở cấp độ 2. Riêng đối với TP.HCM, độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm đo xuất hiện vào đợt triều cường hiện tại, cao hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến 76 km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 3.
Bình luận (0)