Cập nhật từ MDM (Dự án giám sát hoạt động các đập thủy điện trên sông Mekong) cho biết: Hình ảnh gần đây từ đập thủy điện Thác Bạt cho thấy hồ chứa của nó đã mở rộng đáng kể từ khi bắt đầu tích nước vào đầu tháng 2. Điều này khiến mực nước sông dọc theo biên giới Thái - Lào (Chiang Saen đến Nakhon Phanom) thấp hơn đáng kể so với bình thường.
Những năm gần đây, vào giai đoạn mùa khô các đập thủy điện của Trung Quốc xả nước mạnh khiến mực nước sông Mekong cao hơn nhiều so với bình thường. Năm nay, do đập Thác Bạt đưa vào tích nước nên các đập lớn khác của Trung Quốc xả nước chậm. Tính từ đầu nguồn, đập Thác Bạt nằm ở vị trí thứ 3 trong chuỗi 11 đập chứa của Trung Quốc trên dòng Mekong.
Mực nước sông từ Pakse trở về hạ lưu, mực nước sông ở mức bình thường do lượng nước xả ra từ các đập thủy điện lớn ở Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, mực nước tại Biển Hồ ở Campuchia vẫn thấp hơn một chút so với bình thường vào thời điểm này trong năm.
Trên hầu hết lưu vực sông Mekong nắng nóng và khô hơn bình thường so với cùng kỳ nhiều năm. Nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng khô hạn hình thành nhiều nơi, đặc biệt là khu vực gần Biển Hồ.
Trong khi đó, tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long của Việt Nam, mực nước sông thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, vùng hạ nguồn lượng nước dồi dào do nước từ Biển Đông theo các kỳ triều cường xâm nhập sâu vào các nhánh sông.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tính đến nay mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ năm 2016, năm được xem là hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, trên sông Cổ Chiên, mặn đã lấn sâu hơn năm 2016. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn kéo dài đến tháng 5, phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và các đợt triều cường.
Bình luận (0)