Nhiều cách ‘thích nghi’ của người trẻ khi hàng quán chỉ bán mang về

25/10/2021 14:27 GMT+7

Nhiều tháng sống chung với dịch khiến người trẻ dần hình thành thói quen để bảo vệ mình như mua thức ăn từ hàng quán bán mang về, tự nấu ăn, hạn chế đến nơi đông người…

Sáng 25.10, nhiều hàng quán vẫn chọn “bán mang về”

Thanh Dung

Chưa có thông tin chính thức về việc được mở dịch vụ ăn uống tại chỗ vào ngày 25.10. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, điều này cũng để đảm bảo an toàn cho người bán và người mua nên nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

TP.HCM: Đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ nhưng không mở máy lạnh, không bán rượu bia

Chủ động thay đổi để bảo vệ bản thân

Vừa từ tỉnh Đồng Nai vào TP.HCM được khoảng một tuần, Trịnh Tuấn Nhi (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) bất ngờ vì sự thay đổi ở nơi mình trọ. Hơn 4 tháng rời thành phố để về quê tránh dịch, trong trí nhớ của Nhi, khu trọ lúc nào cũng tấp nập người mua bán. Còn hiện tại, hàng quán nằm im lìm, có nơi mở bán mang đi nhưng vẫn giăng dây để an toàn.

Trước kia cứ 3 buổi trong tuần, Nhi sẽ tìm đến các quán ăn để trực tiếp gặp gỡ bạn bè, cùng ăn uống, chuyện trò. Theo Nhi, đây là cách để mọi người giải tỏa căng thẳng trong học tập và công việc.

“Tôi không thường ăn uống trực tiếp tại hàng quán, chỉ tụ họp khi có bạn bè. Tôi thích tự tay nấu ăn nên việc bán mang về hay trực tiếp không gây ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt. Dịch chưa chính thức hết nên tôi vẫn chủ động tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế tụ tập nơi công cộng, cái gì mua về được thì cứ mua về”, Nhi nói.

Quán phở, hủ tiếu Sài Gòn dọn sẵn bàn, chờ ngày đón khách tại chỗ

Mua mang về dù không cho chất lượng tốt nhất nhưng với Nhi, an toàn là trên hết. Với các loại nước như trà sữa, cô sẽ yêu cầu chủ quán bỏ đá riêng hoặc không bỏ đá, về nhà sẽ tự thêm vào. Còn thức ăn nóng, cô mang hộp thủy tinh để đựng thay vì dùng túi ni lông ở quán.

“Đây là cách bạn bè chỉ tôi sau khoảng thời gian dài họ phải mua về. Dù hơi tốn công, tốn sức một tí nhưng chất lượng vẫn ổn. Tôi rất sợ phải tháo khẩu trang ở nơi đông người nên mua về sẽ là lựa chọn ưu tiên sau này của mình”, Nhi chia sẻ.

Khi hàng quán đóng cửa cũng là lúc Nguyễn Nhật Duy (chuyên viên thư viện Trường ĐH Văn Lang TP.HCM) tự tập nấu ăn tại nhà. Hiện tại, chàng trai trẻ còn có thói quen mang cơm hộp đi làm thay vì ăn ở hàng quán như trước kia.

“Tôi ưu tiên bảo vệ sức khỏe của mình nên tự nấu ăn rồi đem theo để không phải tiếp xúc với chủ quán ăn. Lâu lâu, nơi làm việc tụ họp ăn uống một buổi thì chúng tôi cũng đặt hàng rồi bày biện ở chỗ làm ăn uống cho an toàn”, Duy nói.

Cơ quan của Duy vẫn yêu cầu quy tắc 5K nghiêm ngặt nên anh chỉ tiếp xúc với người ngoài khi thật cần thiết như chuyển giao tài liệu, giấy tờ… Thời gian còn lại, anh vẫn đảm bảo cung đường “từ nhà đến trường” và chỉ gặp gỡ đồng nghiệp.

Những quán ăn vẫn đóng cửa im lìm vào sáng nay

Thanh Dung

Sẽ duy trì thói quen “mua mang về”

Đợt bùng phát dịch vừa qua khiến một số bạn trẻ như Duy trưởng thành hơn trong suy nghĩ và lối sống. Anh tự đi chợ, tự nấu ăn, học thêm được việc bếp núc và tiết kiệm được kha khá tiền ăn ngoài. Theo Duy, mỗi lần đến quán, anh sẽ gọi rất nhiều món dẫn đến tình trạng thừa thức ăn.

“Một điều khá tốt khi mua về nhà là mình được thoải mái ăn uống, nói chuyện mà không sợ ảnh hưởng người xung quanh. Dùng không hết thì mình cất tủ lạnh chứ không bỏ phí như ngoài hàng quán. Còn dịch thì mua mang về vẫn là tốt nhất, thật ổn mới dám ngồi tại chỗ”, Nhật Duy nói thêm.

TP.HCM dần bình thường mới, hoạt động buôn bán, giao hàng cũng thuận tiện hơn. Theo nhiều bạn trẻ, phí giao hàng cũng không còn quá đắt như trước kia. Vì vậy, nhiều người chọn đặt thức ăn, đồ uống qua ứng dụng giao hàng để hạn chế di chuyển và tiếp xúc nhiều người.

“Bán mang về” thành ưu tiên hàng đầu của hàng quán hiện nay

Thanh Dung

Nhiều người cho rằng, ngồi trực tiếp tại quán sẽ cảm nhận được không khí tấp nập, sôi động mà ở nhà khó có được. Dù rất thích tụ tập bạn bè nhưng Trương Thị Vân Nhi (giáo viên trường liên cấp tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn ưu tiên sức khỏe của mình nên hiện tại cô vẫn chưa dám đến nơi công cộng thường xuyên.

Không khí tấp nập của các quán nước về đêm trước khi có dịch

Thanh Dung

“Trường học vẫn chưa mở cửa lại nên tôi sinh hoạt ở nhà là thường xuyên. Để hít thở không khí bên ngoài, tôi sẽ lấy xe chạy vòng quanh thành phố để ngắm cảnh, chọn mua thức ăn mà mình thích rồi về nhà ăn uống hoặc rủ bạn bè đến chơi”, cô nói.

Không quá vội vàng trước thông tin được ăn uống tại chỗ ở các hàng quán, Nhi cho rằng bản thân đã quen với quy tắc 5K và mua thức ăn được bán mang về.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.