“Trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn phổ biến
Tuy khảo sát của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM về sự hài lòng có chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, nhưng theo nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, số hồ sơ tồn chưa giải quyết hằng năm của TP còn cao quá. Cụ thể, tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM công bố số hồ sơ trễ hẹn để hằng năm lên đến 32.000 hồ sơ. Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, TP đang tính toán lập tổ công tác kiểm tra hành chính nhằm cải thiện công tác phối hợp giữa các ngành, xây dựng quy trình về thời gian giải quyết, trách nhiệm cụ thể và cơ chế giám sát, khen thưởng, phê bình.
Ngành dệt may VN năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu |
HOÀNG GIÁM |
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, nhận xét nỗ lực cải cách của lãnh đạo TP thể hiện rất quyết liệt, song thực tế về tại cấp cơ sở vẫn giữ nguyên tư duy, lối làm việc cũ. Thế nên, cụm từ chúng ta hay nói là “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn khá phổ biến tại một số quận huyện trên địa bàn. Dẫn chứng, ông Toản cho biết văn phòng của ông làm thủ tục hoàn công cho khá nhiều khách hàng tại nhiều quận huyện. Thế nhưng có một quận, các thủ tục mà nhân viên hành chính nơi đây “hành” dân đến “khủng hoảng”. “Trong thủ tục làm hoàn công, chẳng hạn diện tích có chênh lệch, nhưng giấy tờ xưa không còn. Một số quận huyện khác thường linh động giải quyết theo cách xác minh thực tế, lấy ý kiến các bên là xong. Đằng này, nhân viên ở quận này bắt buộc phải chứng minh nguồn gốc giấy tờ cho chênh lệch 0,3 m sai số, đòi hỏi giấy tờ mà việc bổ sung khó hơn mò kim đáy bể. Thế nên, thay vì ra biên lai 2 lần là ra sổ, quận này biên lai đã ra 4 - 5 lần vẫn chưa chốt được. Tương tự, ngành tòa án cũng vậy, hầu như chưa có vụ nào xử đúng thời gian quy định tố tụng, lỗi thuộc về các thủ tục hành chính chậm, quan liêu...”, vị này dẫn chứng.
Cải cách hành chính cho cả doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước
Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN thường niên năm 2022 vừa được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng VN vẫn cần giảm bớt các thủ tục giấy tờ trong quy trình nộp hồ sơ và xét duyệt. Có thể chọn hình thức trực tuyến, chấp nhận chữ ký điện tử, bao gồm cả chữ ký điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài và giảm bớt các chứng từ gốc cần hợp pháp hóa lãnh sự. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước…
Ông Bruno Sivanandan, thành viên Ban Quản trị nhóm công tác kinh tế số, nhận xét trình độ kỹ năng số của VN vẫn chưa bắt kịp một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore. Nếu VN không đáp ứng được số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, thì nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng khuyến nghị cần nâng cao năng lực thẩm định dự án, triển khai dự án… tại các địa phương.
TS Phùng Đức Tùng cho rằng câu chuyện cải cách là cần thiết. Tuy nhiên, cần coi việc cải cách hành chính là cho cả doanh nghiệp (DN) trong lẫn ngoài nước. Có một thực tế cho thấy, DN trong nước đang “chạy theo” giá trị lợi ích không bền vững như bất động sản, mua đi bán lại, bỏ quên mảng sản xuất kinh doanh, để rơi vào tay DN ngoại từ lớn đến bé. Ngay cả việc sản xuất mặt hàng đơn giản là văn phòng phẩm, bìa các tông… khi tìm hiểu đa số là DN nhỏ từ nước ngoài làm. Ngay DN làm điện tử trong nước, hỏi họ bao bì mua ở đâu, địa chỉ dẫn tới là DN đến từ Đài Loan, Indonesia… Thế nên cải cách, thúc đẩy sản xuất cần chú trọng cả hai, nếu cứ nương nhờ, phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI, mô hình phát triển của ta ngày càng “méo mó”, chính sách phải hỗ trợ sản xuất, đầu tư vào sản xuất, chứ không phải chỉ kinh doanh, thương mại…
Bình luận (0)