Nhiều câu thả thính 'tông' vào tim người khác

Thanh Nam
Thanh Nam
02/08/2022 12:19 GMT+7

Mạng xã hội ngập tràn những câu... thả thính đầy sáng tạo của người trẻ. Nghe vui vui, ngồ ngộ, nhưng mà cẩn thận nếu lạm dụng.

Nếu dạo quanh Facebook, lỡ đọc một trạng thái có các câu thả thính kiểu như: "Cho mình order (tạm dịch: gọi món, đặt hàng) một ly trà đào đâu một anh chàng đẹp trai làm người yêu" thì cũng đừng ngỡ ngàng và vội nhận xét "cái câu gì trớt quớt vậy".

Những câu thả thính ngàn like

Bởi thật ra, người viết trạng thái này đã cố tình chèn một thông điệp với mong muốn yêu một anh chàng đẹp trai phía cuối câu.

Và, trạng thái ấy không ngoại lệ. Trên mạng xã hội "phủ sóng" những câu tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có nghĩa kiểu tương tự. Chẳng hạn như: "Cho tôi gọi ly trà lip tông thẳng vào tim anh", hay "Cho em order một đĩa vịt quay cuồng trong ánh mắt của anh"...

Thật ra, đây là chiêu "thả thính" mới nhất của người trẻ. Nếu như trước đây, làm một bài thơ kiểu như: "Hôm nay trăng sáng hơi mờ/Nên em chỉ muốn nằm mơ tới chàng"... hay tỏ tình bằng tên như dạng: "Anh không thích để thảo cầm viên vì chỉ muốn được Thảo cầm tay"... được giới trẻ mê mẩn. Thì dạo gần đây, thả thính bằng cách ráp nối một cách logic chữ của vế trước với một cụm từ có ý nghĩa ở vế sau mới là "đúng bài", mới là xu hướng.

Lê Trang Thanh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết rất thích thú với "trend" thả thính này, bởi rất sáng tạo mà có thể nói đúng thông điệp của bản thân. Có lần, Thanh viết trạng thái: "Cho em order một ly sinh tố cà rốt cuộc khi nào anh xuất hiện" đã nhận được "bão like" với hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ.

Nguyễn Thanh Thúy Phương, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng kể đã từng áp dụng chiêu thả thính này vài lần. Có khi là câu: "Xin mời anh một ly bạc xỉu lên xỉu xuống vì em", có lúc là câu "Cho em order một tô bún riêu cua mãi mà anh không đổ"... Và lần nào, những trạng thái như vậy cũng có lượt yêu thích cao ngút ngàn.

Và khi giai đoạn xét tuyển ĐH, CĐ đã và đang bắt đầu, cũng là lúc "trend" thả thính này được... nâng tầm. Nói chính xác hơn là được biến tấu lại một cách độc đáo. Vẫn công thức cũ, gọi tên món ăn hoặc món uống. Sau đó sử dụng chữ cuối cùng của món ăn (món uống) kèm theo một cụm từ phía sau. Thì giờ đây, giới trẻ lại sử dụng ngay tên trường học để làm câu thả thính một cách "chất lừ".

"Mình là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên yêu em quá muốn song hành bên em cả cuộc đời", Vũ Hoài Vinh (31 tuổi, ở TP.HCM), chia sẻ trên Facebook. Trạng thái này được nhận về "cơn mưa... like". Và rồi, những trạng thái kiểu vậy hiện diện khắp "cõi mạng".

Nào là: "Xin giới thiệu, tôi là sinh viên Trường CĐ Công thương anh là điều không thể ngờ", hay: "Mình từng học ở Trường ĐH Công Thương em lắm lắm mà không biết phải tỏ tình với em như thế nào", hoặc: "Mình học ở Trường ĐH Văn Lang bạt hoài giờ muốn cập bến bên một cô gái nào đó"... Khỏi phải nói, những câu chữ hài hước lại đầy ẩn ý như thế "hút like" (lượt yêu thích) và "hút share" (lượt chia sẻ) rất nhiều.

Có những anh chàng, cô nàng vừa... chia tay người yêu, cũng áp dụng công thức của "trend" này để "đá xoáy" người yêu cũ. Như là: "Cho em một tô bún thịt ba chỉ muốn né những anh chàng ba hoa", hay: "Mình là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp em rất nhiều khi nói lời chia tay một người tốt như anh"....

Sẽ là một sự duyên dáng dễ thương, nếu...

Chia sẻ với Thanh Niên về xu hướng thả thính này của người trẻ, nhà văn Hoài Hương (Hội Nhà văn TP.HCM), cho rằng những câu thả thính theo trend giới trẻ kiểu "bắc cầu" từ một cụm từ có ý nghĩa, nhưng lấy chữ cuối ghép vào một câu với ý khác không liên quan tới cụm từ trước, nghe thấy vui vui, ngồ ngộ. Như ngày trước có những câu "hiệp vần" như: chán như con gián, sát thủ đầu mưng mủ, gần nhất là ăn chơi không sợ con rơi như tên một phim điện ảnh...

"Thế nhưng xét theo hệ luỵ, nếu dùng nhiều, nói nhiều, khi đã quen miệng, rồi vô thức mang vào văn bản viết, sẽ làm méo mó tiếng Việt. Ở góc độ khác, tích cực hơn, về những câu thả thính ghép từ cuối thành câu mang nghĩa khác, là một sự "sáng tạo" ngôn ngữ Việt, cho thấy sự uyển chuyển phong phú đa dạng ngôn từ. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, lạm dụng nhiều quá những ngôn từ "thả thính" như vậy cũng sẽ có lúc nhàm, nhạt, nhảm. Còn biết vận dụng vừa phải, đúng chỗ, đúng thời điểm, thì trở thành một sự duyên dáng dễ thương trong ngôn ngữ Việt đương đại", nhà văn Hoài Hương, nói.

Tác giả trẻ Ny An (Quảng Nam) cũng nhìn nhận những câu thả thính vui vui như ở trên là trào lưu “trend” đang hot của giới trẻ. "Các bạn nói đôi, ba lần thì có thể vui vẻ chấp nhận. Nhưng nói nhiều, dần quen, thì thành ra hết vui, lại dở", Ny An chia sẻ.

Thả thính là gì?

Là từ lóng của giới trẻ, mang nghĩa cố tình lôi cuốn, thu hút, hấp dẫn ai đó, khiến họ quan tâm, thích mình.

Trên mạng xã hội, "thính" rất nhiều và muôn hình vạn trạng. Mà "thính" nào cũng đầy sự sáng tạo. Có những câu tưởng chừng không có nghĩa, không có ăn nhập gì với nhau, nhưng thực tế đều là "thính". Có thể kể như: "Vì dở văn nên em thích anh không tả được", "Từ nay em không nóng nảy nữa. Em sẽ trở nên nóng bỏng", "Em là khói, anh là thịt heo. Tại vì, thịt heo sẽ được hun khói".

Hay câu nói: "Định rủ anh đi ăn bún r iêu". Thoạt đầu, tưởng đi ăn bún riêu. Nhưng để ý kỹ, "r iêu", nghĩa là "rồi yêu"...

Cũng theo Ny An: "Đừng cho rằng một vài hiện tượng xáo trộn ngôn ngữ trong giới trẻ sẽ không thể hiện được bản chất hay không thay đổi bản chất của ngôn ngữ. Vốn dĩ ta đã khẳng định và minh chứng được tiếng Việt giàu và đẹp. Nếu cần những câu thả thính, thì hiếm gì cách nói cực “tình” mà duyên. Mãnh liệt như Xuân Diệu: “Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em/Hôn thật khẽ, thật êm/Hôn êm đềm mãi mãi”. Ý nhị như Nguyễn Bính: “Gió mưa là bệnh của giới/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Day dứt như Chế Lan Viên: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”. Hay bông đùa như Kim Lân: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Những câu đậm chất “thả thính”, tán tỉnh ấy mà vẫn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, giúp tiếng Việt hay ho thú vị hơn. Hoặc đơn giản là ta có quá nhiều từ ngữ để biểu lộ những cung bậc cảm xúc như: nhớ, mong, ngóng, quý, mến, thích, yêu, thương".

Cũng nói về các câu thả thính của giới trẻ trên mạng xã hội, tác giả trẻ này thắc mắc: "Vậy tại sao lại cần biến tấu tiếng Việt trở thành khó hiểu như vậy? Một câu có hai vế không hề liên quan gì với nhau ngoại trừ cụm từ nối ở giữa. Nếu bọn trẻ con mới ê a đánh vần, khi gặp những câu nói ấy thì nên hiểu như thế nào cho đúng? Chẳng phải là bao nhiêu công sức học ngữ pháp, từ vựng đều đổ sông đổ biển hay sao! Tôi lo ngại rằng cái “hiện tượng” vui đùa đơn giản ấy cứ kéo dài, thì sẽ làm biến đổi bản chất trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.