Trong số những cầu thủ mà các CLB ở Malaysia Super League muốn chiêu mộ không thuộc hàng ngôi sao hàng đầu ở giải V-League, thậm chí có người còn đang nhận mức thu nhập khá thấp tại CLB đang sở hữu, nhưng họ luôn miễn cưỡng trước các lời đề nghị với mức lương lên tới 10.000 USD/tháng (gần 230 triệu đồng).
Cầu thủ Tô Văn Vũ của CLB Becamex Bình Dương từng được CLB Terengganu của Malaysia Super League muốn mua, nhưng bị từ chối dù chấp nhận mức lương 10.000 USD/tháng |
khả hòa |
Theo cựu HLV của CLB Terengganu (đang xếp thứ 4 giải Malaysia Super League mùa 2021), ông Zul Fadli Rozi cho biết: “Lý do các cầu thủ không chỉ từ V-League của Việt Nam, mà ngay cả từ Thái Lan và Indonesia luôn miễn cưỡng trước các lời đề nghị từ các CLB ở Malaysia, là vì họ đánh giá tiêu chuẩn giải đấu trong nước của mình vẫn đang tốt hơn. Một số khác thuộc hàng ngôi sao thì chỉ mơ được thi đấu ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, hoặc là tìm đường đến châu Âu”.
Cũng theo ông Zul Fadli Rozi: “Khi còn làm HLV cho Terengganu, tôi chỉ nhắm tới một số cầu thủ có chất lượng nhưng không thuộc hàng ngôi sao ở giải V-League, và chưa thi đấu cho đội tuyển quốc gia như trường hợp từng đề nghị mua hậu vệ cánh phải Tô Văn Vỹ (thực chất là Tô Văn Vũ) từ CLB Becamex Bình Dương.
Chúng tôi đã 2 lần gửi lời đề nghị, trong đó yêu cầu về mức lương cho cầu thủ không thành vấn đề vì CLB sẵn sàng đáp ứng (trả khoảng 10.000 USD/tháng), nhưng về phí chuyển nhượng thì họ đòi hỏi quá cao khiến chúng tôi không đáp ứng được. Ngoài ra, thì họ cũng cân nhắc, vì xem Malaysia Super League chưa hẳn đã tốt và có sức cạnh tranh như V-League, nên chỉ nhắm mục tiêu chỉ đưa cầu thủ của mình sang Thai League”.
Nhiều cầu thủ Đông Nam Á mơ ước thành công như Chanathip Songkrasin (Thái Lan) khi thi đấu ở J-league, nhưng lại ngại phiêu lưu trước thử thách của sự nghiệp |
reuters |
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Faidauz Azhar, người đồng sáng lập công ty Exeliq Sports Management (ở Malaysia): “Thai League vẫn đang là giải đấu tốt nhất tại Đông Nam Á, nên cũng thu hút số cầu thủ giỏi nhất của khu vực đến thi đấu là lẽ đương nhiên. Các giải tiếp theo như V-League cũng có một sự thu hút nhất định, hay giải của Singapore và Indonesia hiện cũng có cải thiện nhiều về chất lượng, tương tự là giải của Malaysia.
Theo tôi, ở một chừng mực nào đó các giải đấu này cần tiếp tục nâng cao chất lượng về chuyên môn, và cần tăng lương do giá trị cầu thủ nay cũng đã tăng lên thì mới có thể hấp dẫn cầu thủ đến thi đấu, đặc biệt là các ngôi sao vừa xuất hiện ở AFF Cup 2020. Như giải Malaysia Super League, giới hạn mức lương cho cầu thủ xuất ASEAN hiện nay từ 5.000 USD đến 10.000 USD/tháng vẫn còn thấp, vì mức thu nhập cầu thủ được xem là ngôi sao ở khu vực Đông Nam Á có chất lượng hiện phải từ 10.000 USD/tháng đến 15.000 USD/tháng.
Đó là lý do trước đây ngay cả các cầu thủ từ giải V-League dù có thu nhập thấp hơn họ cũng miễn cưỡng khi sang Malaysia thi đấu, do mức lương chưa thực sự đáp ứng đầy đủ việc họ chuyển sang môi trường mới, trong lúc về sự cạnh tranh chuyên môn thì chưa hẳn đã bằng nơi họ đang thi đấu.
Tuy nhiên, nếu nhìn đến khía cạnh chuyên nghiệp từng bước tiến lên một tầm cao mới trong sự nghiệp trước khi chuyển sang Thai League, sau đó đến Nhật Bản, Hàn Quốc hay sang châu Âu, thì cũng là hướng đi tốt và cầu thủ cần chấp nhận thử thách. Vấn đề với các CLB ở Malaysia Super League cần cải thiện thêm việc trả lương, và chất lượng giải đấu thì mới có thể thu hút cầu thủ giỏi đến đầu quân, như từ V-League...”.
Bình luận (0)