Đó là một thực tế được nêu ra tại buổi bồi dưỡng thường xuyên "Giáo dục kỹ năng tiền học đường cho trẻ em khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non", do Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 23.5 tại Trường mầm non Thành Phố, Q.3.
"Một số gia đình bảo bọc con quá, hoặc lại tôn thờ con quá"
Tại sự kiện, cô Nguyễn Thị Đoan Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, trình bày những điểm quan trọng trong giáo dục kỹ năng tiền học đường, tức trước khi chính thức vào lớp 1, đối với trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Cô Đoan Trang cho hay có nhiều yếu tố từ gia đình, cơ sở giáo dục mầm non cũng như cộng đồng ảnh hưởng tới sự phát triển tính độc lập và hình thành kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật.
Theo cô Đoan Trang, trong một số gia đình, trẻ em khuyết tật được mọi thành viên bảo bọc quá mức, không cho con làm bất cứ điều gì; hoặc lại tôn thờ con mình quá mức khi trẻ có một số năng lực nổi trội như nói tiếng Anh giỏi, hoặc vẽ đẹp… Một số gia đình thì bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con. Còn trường hợp tích cực nhất là phụ huynh đối xử đúng mực, tôn trọng, quan tâm dạy dỗ con đúng cách.
Bên cạnh đó, các yếu tố cộng đồng có thể kể tới như những phản hồi tiêu cực về trẻ; né tránh tình trạng khuyết tật của trẻ; xem trẻ như mọi trẻ bình thường khác, không quan tâm đúng mức hoặc lại quá tập trung tới khuyết tật, cư xử với trẻ không đúng mực. Tất cả những yếu tố trên đều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ khuyết tật, cô Đoan Trang chia sẻ.
Vậy mỗi cơ sở giáo dục mầm non có trẻ khuyết tật học hòa nhập nên làm gì? Cô Đoan Trang đưa ra lời khuyên: "Cần khuyến khích những phản hồi tích cực để trẻ khuyết tật đang học hòa nhập phát triển tính độc lập và hình thành kỹ năng sống. Cần chấp nhận nhu cầu đặc biệt của trẻ và đáp ứng nhu cầu đặc biệt của trẻ như một điều tất yếu, để đảm bảo trẻ được nhận sự hỗ trợ phù hợp; tạo cơ hội cho trẻ được học hỏi từ những người xung quanh".
"Nhiều gia đình hoàn cảnh rất thương"
Cô Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ với giáo viên mầm non về hoàn cảnh thương tâm, tội nghiệp của nhiều gia đình có con khuyết tật. "Đối với mỗi gia đình có con khuyết tật chân, tay, việc chăm sóc, dạy dỗ con rất vất vả. Nhưng với những gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu này còn vất vả hơn gấp bội lần", cô Điệp nói.
Theo cô Điệp, chương trình giáo dục hòa nhập, can thiệp sớm cho trẻ mầm non khuyết tật là chương trình rất nhân văn. Mỗi giáo viên mầm non nên quan tâm hơn một chút tới các trẻ, tương tác với phụ huynh, khi quan sát các cháu có vấn đề gì bất thường cần phải trao đổi, thuyết phục ngay với phụ huynh để đưa con đi thăm khám, kiểm tra để được can thiệp sớm. Trẻ càng được can thiệp sớm, càng có những tiến triển tích cực.
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang lưu ý giáo viên mầm non khi giáo dục kỹ năng tiền học đường cho trẻ khuyết tật đang học hòa nhập thì cần cung cấp thông tin dễ hiểu, cụ thể, phù hợp với đặc điểm riêng từng trẻ, vì không bé nào giống bé nào.
Bên cạnh đó, giáo viên nên giúp bé được rèn từ kỹ năng cơ bản phát triển thành kỹ năng vững chắc; dạy kỹ năng mới cần khuyến khích cho trẻ chủ động thay vì áp đặt.
Giáo viên mầm non cần giao nhiệm vụ cho các bé này vừa sức, đầu tư vào những nhiệm vụ trẻ yêu thích. Đặc biệt, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng để cùng chăm sóc trẻ khuyết tật là vô cùng quan trọng.
"Tôi biết công tác giáo dục trẻ khuyết tật là rất khó khăn, nhưng có những gia đình không chấp nhận tình trạng của con mình, khiến cho việc giáo dục trẻ ngày càng khó khăn. Hay ở góc độ cộng đồng, tôi từng biết có những phụ huynh ra phường xin giấy xác nhận tình trạng khuyết tật cho con thì có người ở phường còn nói: lấy cái giấy đó làm gì, cái giấy đó nó theo con ông bà suốt đời đấy", cô Đoan Trang kể.
Tuy nhiên, theo cô Đoan Trang, khi trẻ có giấy xác nhận tình trạng khuyết tật thì có thêm nhiều cơ hội hơn, xã hội có các chế độ tốt hơn cho các con. Chuyên viên này lưu ý: "Với một đứa trẻ bình thường, việc gia đình, nhà trường, cộng đồng cùng phối hợp để giáo dục trẻ đã quan trọng thì với trẻ khuyết tật điều này càng quan trọng hơn nữa".
Hướng dẫn trẻ từ việc lật mở trang sách
Đâu là biện pháp giáo dục kỹ năng tiền học đường cho trẻ khuyết tật ở lứa tuổi mầm non?
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang cho biết giáo viên cần trang bị cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ và quản lý học tập như: chuẩn bị và quản lý đồ dùng học tập; nhận biết đồ dùng học tập và giữ gìn đồ dùng học tập.
Sau đó, giáo viên cần hướng dẫn trẻ làm quen với kỹ năng cầm bút, lật sách. Đối với trẻ khuyết tật thì khả năng vận động phát triển chậm hơn nên giáo viên trước tiên cần lựa chọn loại sách có trang sách dày, đủ cứng để trẻ lật dễ dàng. Sau đó, giáo viên chuyển sang sách trang mỏng; tạo không gian cho trẻ đọc sách thoải mái nhất. Giáo viên đọc sách cho trẻ nghe, giúp trẻ làm quen và tuân thủ quy định về nề nếp học tập.
Kế tiếp, giáo viên có thể cho trẻ làm quen với kỹ năng đọc, làm quen với kỹ năng viết; luyện cho trẻ có kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, kỹ năng kiểm soát hành vi.
Bình luận (0)