Trẻ chậm nói, khó khăn giao tiếp: Những điều phụ huynh cần làm

Thúy Hằng
Thúy Hằng
16/05/2023 06:05 GMT+7

Trẻ mầm non chậm nói, không tập trung, khó khăn trong giao tiếp cần sớm được phụ huynh nhận biết, cho con đi thăm khám và can thiệp sớm. Theo các chuyên gia, cha mẹ hãy chấp nhận và kiên trì cùng con đi qua ngày khó khăn.

CHẤP NHẬN, KIÊN TRÌ, NHẪN NẠI

Mỗi tháng, chi phí cho con vừa học trên trường mầm non và ở trung tâm can thiệp sớm khoảng 8 triệu đồng, chi tiêu của hai vợ chồng anh Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi), trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM, phải tằn tiện hơn. Cả hai vợ chồng cũng phải giảm giờ làm, thay phiên nhau đưa đón con từ trường tới trung tâm. Nhưng giờ đây, dẫu có vất vả, hai vợ chồng đã có tâm lý thoải mái hơn khi chấp nhận con gặp vấn đề về rối loạn phát triển và đồng hành cùng các thầy cô ở trung tâm.

"Các cô giáo chuyên biệt có quay lại những video khi chơi cùng con, dạy con các hoạt động để phụ huynh cùng xem và về nhà cùng chơi với con. Điều quan trọng nhất tôi nhận ra đó là cha mẹ hãy chấp nhận con mình, kiên trì, nhẫn nại, yêu thương con thật nhiều để đồng hành cùng con", người cha cho biết.

"Thời gian đầu chúng tôi rất dằn vặt, khổ sở, oán trách mình, oán trách người thân đã không chăm lo tốt nhất cho con. Nhưng mình còn không chấp nhận con thì ai có thể dang tay với con?", anh Hoàng nói. Bé trai con anh hiện 28 tháng, mới nói được những từ đầu tiên, nói chuyện đã nhìn vào mắt ba mẹ.

Trẻ chậm nói, khó khăn giao tiếp: Những điều phụ huynh cần làm  - Ảnh 1.

Trẻ em đã tập trung tự chơi được đồ chơi sau một thời gian can thiệp sớm

MINH PHỤNG

CHẤP NHẬN CON VỚI TẤT CẢ KHÁC BIỆT

Cô Huỳnh Kim Khánh, người có 12 năm kinh nghiệm giáo dục chuyên biệt, hiện đang là giáo viên dạy cá nhân tại Trường mầm non 6, Q.3, TP.HCM, cho biết sau khi nghe phụ huynh phản ánh về những biểu hiện lạ của con, giáo viên sẽ quan sát, cho các bé thực hiện các khảo sát, tư vấn phụ huynh đưa các bé tới các bệnh viện lớn kiểm tra.

Nhưng có một vấn đề quan trọng là khi được một (hoặc nhiều) bệnh viện chẩn đoán bé chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ… thì có tới 70% phụ huynh không chấp nhận con mình bị như vậy.

"Tâm lý thường thấy là không chấp nhận, họ cho là cả mình và người bạn đời của mình đều khỏe mạnh, thành đạt, sao con có thể bị như vậy. Hoặc vợ hoặc chồng, hoặc người thân… có tâm lý đổ lỗi cho người còn lại chăm sóc, nuôi dạy con không tốt. Nhưng thực tế hội chứng tự kỷ là bẩm sinh, tự kỷ không có nguyên nhân đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Cha mẹ càng không chấp nhận con đang gặp hội chứng này, họ không cho con can thiệp sớm. Càng can thiệp trễ, tình trạng của trẻ càng nặng hơn", cô Khánh nói.

Cô Khánh khuyên cha mẹ khi thấy con có những biểu hiện khác lạ, cần đưa con đến các bệnh viện uy tín thăm khám. Cần chấp nhận con mình với tất cả sự khác biệt, đồng hành cùng con. Can thiệp sớm giúp trẻ loại bỏ bớt hành vi không mong muốn, giúp trẻ dễ dàng hơn trong nhận thức thế giới xung quanh, có thể tự chăm sóc bản thân, thể hiện nhu cầu của mình, nâng cao chất lượng sống…

Cô Huỳnh Kim Khánh cho hay dù trẻ học ở trung tâm, hay trường học nào thì sự giáo dục, đồng hành của cha mẹ cũng đóng góp lớn vào sự tiến bộ của con. Cha mẹ không nên phó mặc hết cho các giáo viên. Mỗi ngày cha mẹ nên dành nhiều thời gian để cùng chơi trò chơi, nói chuyện, tương tác với con. Nên đồng hành bên con cùng sự kiên nhẫn, yêu thương. Thực tế cho thấy các bé được can thiệp sớm đồng thời được cha mẹ quan tâm cùng đồng hành giáo dục tại nhà thì bé đã có những tiến bộ đáng kể sau một thời gian.

Trẻ chậm nói, khó khăn giao tiếp: Những điều phụ huynh cần làm
 - Ảnh 2.

Một trẻ mầm non được can thiệp sớm

HUỲNH KIM


CHA MẸ LÀ NGƯỜI THẦY LỚN NHẤT CỦA CON

Anh Nguyễn Minh Phụng, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý và phát triển kỹ năng New Life (Đà Nẵng), cho biết trung tâm của anh đang hỗ trợ can thiệp cho nhiều trẻ chậm nói, khó tập trung, khó khăn trong giao tiếp, trong học tập…

Trong số này, không phải bé nào cũng gặp vấn đề bệnh lý, không phải bé nào cũng là rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý. Có bé đơn thuần chậm nói, khó khăn trong giao tiếp và học tập chậm hơn bạn bè đồng trang lứa do tâm lý, do ảnh hưởng từ môi trường sống xung quanh và nhiều yếu tố khác…

Những trẻ em này được can thiệp 1-1 cùng giáo viên, hoặc cũng có lớp can thiệp bán trú, cho trẻ vừa được can thiệp nhóm, vừa được can thiệp 1-1 cùng giáo viên. Trẻ được các chuyên viên có chuyên môn tổ chức các trò chơi, các bài tập dưới dạng các trò chơi để từ đó được phát triển các kỹ năng nghe, nói, vận động, giao tiếp, hoạt động nhóm cùng bạn bè, cô giáo.

"Có những bé phát triển rất mau chóng. Mới đây, có một bé lúc vào trung tâm là 3 tuổi rưỡi nhưng chưa nói. Bác sĩ chẩn đoán không phải do bệnh lý. Trung tâm thực hiện các bài test, cho bé giáo án riêng để học cùng cô. Chỉ sau 1,5 tháng bé nói được nhiều, rất thích đặt câu hỏi cho cha mẹ, thầy cô. Tuy nhiên, cũng có những trẻ cần phải được can thiệp rất lâu và kiên trì trong một khoảng thời gian dài, do các bé đã lớn và có những vấn đề cần can thiệp nhiều hơn", anh Minh Phụng cho biết.

Theo anh Minh Phụng, bên cạnh việc cha mẹ luôn quan tâm đến tình trạng phát triển của con, xem con có những gì bất thường để sớm đưa đi các bệnh viện uy tín kiểm tra, chấp nhận tình trạng của con, cha mẹ cũng cần đồng hành trong hành trình giáo dục, hỗ trợ giúp con tiến bộ mỗi ngày.

Với những trẻ chậm nói, khó khăn trong tập trung và học tập không phải do bệnh lý, cha mẹ cũng cần kiên trì, nhẫn nại hơn cùng con.

"Cha mẹ là người thầy lớn nhất của con, đồng hành với con suốt đời. Sau giờ con học ở trường, ở trung tâm tham vấn tâm lý và phát triển kỹ năng, cha mẹ nên dành nhiều hơn thời gian để đưa con ra ngoài chơi, chơi cùng con, nói chuyện nhiều hơn với con, hạn chế để trẻ xem ti vi, ipad quá lâu", anh Nguyễn Minh Phụng chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.