Đầu tiên là phải thể chế hóa và làm rõ quyền đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, việc sửa luật Đất đai cũng cần thể chế hóa được yêu cầu mà Nghị quyết 18 nhấn mạnh là bịt kẽ hở, khoảng trống mà luật Đất đai 2013 còn để lại, trong đó có việc hạn chế giao đất và tăng đấu thầu quyền sử dụng đất.
Lâu nay vấn đề cơ bản nhất gây ra những phức tạp trong lĩnh vực đất đai chính là thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, luật Đất đai sửa đổi phải giải quyết được câu chuyện này chứ nếu lại qua loa thì vẫn tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện.
PGS-TS Phan Trung Hiền
Trưởng khoa Luật, Trường đại học Cần Thơ
“Luật Đất đai 2013 vấn đề giao đất còn rất rộng. Cả nhà nước T.Ư và chính quyền địa phương đều còn giao đất rất rộng. Đây chính là kẽ hở gây ra nhiều vấn đề đất đai phức tạp mà chúng ta thấy thời gian qua”, ông Phúc nói và cho rằng cùng với tăng đấu thầu cũng cần có cơ chế để hạn chế việc đầu cơ đất đai.
Trong khi đó, PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Trường đại học Cần Thơ, cũng đánh giá Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII đã có nhiều chủ trương mang tính cải tiến so với trước như trong vấn đề quy hoạch sử dụng đất đai; xử lý các vướng mắc trong đấu giá đất hay việc chuyển đất tôn giáo qua làm kinh doanh…
Theo ông Hiền một trong những chủ trương mới của Nghị quyết 18 vừa ban hành là yêu cầu có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, bên cạnh cơ chế thu hồi đất, Nghị quyết 18 cũng đề xuất thêm cơ chế “góp quyền sử dụng đất”, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.
“Lâu nay vấn đề cơ bản nhất gây ra những phức tạp trong lĩnh vực đất đai chính là thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, luật Đất đai sửa đổi phải giải quyết được câu chuyện này chứ nếu lại qua loa thì vẫn tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện”, ông Hiền nói và cho rằng ngay cơ chế góp quyền sử dụng đất cũng cần phải được cụ thể hóa trong luật Đất đai sửa đổi sắp tới để tạo điều kiện để chính quyền địa phương ưu tiên việc thỏa thuận với người dân, nhằm tạo sự đồng thuận thay vì phải cưỡng chế.
Gỡ “nút thắt” đất 2 giá
Một vấn đề nhiều người quan tâm là nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường được nêu trong Nghị quyết 18. Theo PGS-TS Võ Văn Phúc, đây cũng là điểm sẽ phải thể chế hóa trong luật Đất đai sửa đổi sắp tới. “Nghị quyết nêu rõ giá đất xác định theo nguyên tắc thị trường. Vậy phải làm rõ giá thị trường là giá nào? Giá đất do chính quyền địa phương quy định hay giá mua bán trên thị trường? Cơ quan nào sẽ xác định giá đất?”, ông Phúc nêu hàng loạt các vấn đề cần được làm rõ trong luật Đất đai sửa đổi.
Ông Phúc phân tích nhiều vấn đề phức tạp, những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua đều bắt nguồn từ việc “đất 2 giá” - giá thị trường và giá nhà nước quy định. “Vũ Nhôm là mua đất do 2 ông chủ tịch TP.Đà Nẵng bán cho là giá do nhà nước quy định mà giá đó thì thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Sau đó đem bán ra giá thị trường và hưởng chênh lệch giá”, ông Phúc nói và cho rằng nếu đất chỉ 1 giá và sát với giá thị trường thì sẽ không còn những vụ án đất đai như vừa qua. “Để gỡ nút thắt thì chỉ cần thực hiện đất một giá”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS-TS Phan Trung Hiền cũng cho rằng Nghị quyết 18 đã nêu quan điểm xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, song cần được thể chế hóa cụ thể. Theo ông Hiền, nếu việc quyết định giá đất vẫn được giao cho chính quyền địa phương thì không giải quyết được vấn đề lâu nay. “Nếu theo nguyên tắc thị trường thì thị trường phải quyết định chứ làm gì có giá thị trường do UBND quyết định. Thành ra, muốn có giá thị trường thì phải cho thị trường định giá và luật phải tạo cơ chế để thị trường lên tiếng”, ông Hiền đề xuất.
Bình luận (0)