"Chiến thuật" mua bánh mì ăn sáng ở cổng trường
Một phụ huynh ở Hà Nội có con học lớp 11 cho biết, con chị 7 giờ sáng phải có mặt ở trường, nhà thì cũng tương đối xa nên ngày nào con cũng phải dậy từ 6 giờ sáng mới kịp giờ đi học.
Học sinh đi học quá sớm sẽ dẫn tới tình trạng "gà gật" trong tiết học đầu tiên (ảnh minh họa) |
NGỌC THẮNG |
Theo vị phụ huynh này, con học hệ chuyên nên còn phải học tăng cường, học thêm cả trong và ngoài nhà trường nhiều, buổi tối cũng giải quyết rất nhiều bài tập nên đi ngủ rất muộn. "Thấy con dậy đi học sớm, không kịp ăn sáng, nhất là vào mùa đông giá ré, chúng tôi rất xót xa", vị phụ huynh chia sẻ.
Không ít học sinh đi học bằng xe buýt công cộng còn kể, nhiều lần lên xe thì bắt đầu ngủ tiếp nên có lúc ngủ quên khi xe đến điểm dừng cạnh cổng trường. Khi xe đến bến cuối cùng, nhân viên gọi, các con mới tỉnh dậy và phải bắt xe ôm quay ngược lại trường, vừa muộn học vừa tốn thêm một khoản tiền.
Xem nhanh 20h ngày 22.10: Giá xăng Việt Nam ‘thấp nhất thế giới’ | Than khổ vì con đi học sớm |
Một giáo viên của trường THPT ở Q.Đống Đa (Hà Nội) tâm sự: “Chán nhất là dạy học sinh vào tiết 1 buổi sáng. Do dậy sớm đi học nên nhiều em vào lớp vừa học vừa “gà gật” vì buồn ngủ và đói. Giảng bài được vài câu cô lại phải “quát” to để học sinh tỉnh ngủ nhưng lớp học rất thiếu sự sôi nổi cần có”.
Một học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) thì kể, sáng dậy sớm chưa kịp ăn, cứ giờ ra chơi hết tiết 1 là hàng ăn sáng ở cổng trường đông nghịt học sinh ra mua đồ. Giờ giải lao sau tiết 1 có 15 phút để học sinh ăn sáng nên nếu không nhanh sẽ không kịp.
"Sau nhiều lần vác "bụng rỗng" vào lớp học tiết 2, em đã rút ra kinh nghiệm là xin số điện thoại của các hàng ăn sáng ở cổng trường. Ví dụ, muốn ăn bánh mì trứng thì trước khi vào giờ học phải nhắn tin cho bác bán bánh mì ở cổng làm sẵn cho một chiếc để tan tiết 1 ra là có bánh ăn ngay. Nếu không, chưa kịp ăn thì trống đã báo giờ vào tiết 2", học sinh này tiết lộ chiến thuật.
Học 1 buổi/ngày thì không thể vào học muộn hơn?
Tại Hà Nội, hầu hết các trường THPT đều áp dụng lịch học buổi sáng vào 7 giờ hoặc muộn hơn là 7 giờ 15. Các nhà trường lý giải, không thể lùi giờ muộn hơn vì thiếu phòng học nên hầu hết các trường THPT công lập vẫn phải dạy 2 ca/ngày.
Do học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày nên để dạy đủ số tiết theo quy định thì hầu hết các buổi học sinh phải mỗi buổi học 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút cộng với giờ giải lao. Do vậy, dù bắt đầu giờ học từ 7 giờ sáng nhưng cũng phải đến gần 12 giờ trưa mới kết thúc 5 tiết học.
Nếu lùi giờ học chỉ 30 phút thôi là giờ tan học của cấp THPT sẽ phải kết thúc lúc hơn 12 giờ trưa, học sinh học tiết cuối sẽ rất mệt mỏi vì đói và buồn ngủ. Đó là chưa kể nếu kết thúc muộn sẽ ảnh hưởng đến ca học buổi chiều (ca chiều cũng bắt đầu từ khoảng 13 giờ và kéo dài đến 17 giờ). Nếu ca sáng tan muộn, ca chiều vào muộn hơn thì học sinh sẽ phải tan học muộn.
Học sinh cấp THPT còn học thêm ở ngoài nhà trường để ôn thi đại học theo nhu cầu nên nhiều em có lịch học thêm vào buổi tối, kết thúc ca chiều muộn cũng không phù hợp với lịch học và sinh hoạt của học sinh….
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa), cho biết khi thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018, với việc thêm một số hoạt động giáo dục mới, nếu vào học muộn chỉ khoảng 30 phút đã không thể thực hiện được vì rất khó cho cả giáo viên và người quản lý.
Phần lớn trường tiểu học ở Hà Nội có giờ học “dễ thở”
Với trường tiểu học ở Hà Nội thì hầu hết đều áp dụng lịch vào học sớm nhất từ 7 giờ 30, còn thường là 8 giờ sáng do đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Vì vậy, học sinh không phải dậy quá sớm và có thời gian ăn sáng đầy đủ trước khi đến trường.
Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), cho biết lâu nay trường vẫn áp dụng giờ vào học là 8 giờ sáng, học sinh có mặt ở trường trước 15 phút. Do chủ yếu gia đình học sinh đều đóng trên địa bàn phường, đi lại rất gần nên các em không phải dậy quá sớm để đi học.
“Giờ học như vậy nên chúng tôi không phải chứng kiến cảnh học sinh đến lớp vẫn phải gà gật hay chưa kịp ăn sáng. Các con có 15 phút ổn định lớp, ôn bài cũ, giáo viên điểm danh… nên khi bắt đầu vào giờ học chính thức rất hào hứng”, bà Hoa cho hay.
Các trường tiểu học ở Hà Nội thường áp dụng giờ vào lớp sau 7 giờ 30 đến 8 giờ sáng |
m.c |
Về giờ tan học, nhiều trường áp dụng vào khoảng 16 giờ đến 16 giờ 30 là muộn nhất. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở không quy định cứng về giờ vào học, tan học của học sinh mà tùy các trường xây dựng dựa trên kế hoạch giáo dục của trường, đảm bảo đủ thời gian thực học theo từng cấp học mà Bộ GD-ĐT quy định (tiểu học là 35 tiết/ tuần, trung học là 32 tiết/tuần).
Ông Tiến cho biết thêm, trước đây cũng có ý kiến phụ huynh cho rằng cần quy định giờ tan học của học sinh tiểu học muộn hơn vì công sở tan làm lúc 17 giờ mà giờ tan học của học sinh từ 16 giờ khiến phụ huynh gặp khó khăn trong việc đón con.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng chia sẻ: "Trẻ học ở trường cả ngày, tiện cho người lớn nhưng chúng ta cũng cần tính đến tâm lý lứa tuổi, chỉ đến tầm 15 giờ chiều thôi là các con đã mong đến giờ được bố mẹ đón về nhà lắm rồi".
Không để học sinh đến trường quá sớm khi trời rét đậm
Dù không quy định giờ vào học của các trường nhưng do Hà Nội có mùa đông nên Sở GD-ĐT Hà Nội thường lưu ý: "Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học hoặc đứng ở ngoài cổng trường".
Một số trường vì thế cũng áp dụng lịch học mùa đông và lịch học mùa hè khác nhau. Theo đó, mùa đông thường học sinh sẽ vào học muộn hơn khoảng 30 phút.
Bình luận (0)