Nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên theo ngành hoạt động trị liệu

Lan Chi
Lan Chi
16/10/2022 06:30 GMT+7

Lĩnh vực hoạt động trị liệu đang rất 'khát' nhân lực, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Vật lý trị liệu được đào tạo từ nhiều thập niên qua tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu, hai lĩnh vực cũng cực kỳ quan trọng của bộ môn Phục hồi chức năng, chỉ mới được chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường y từ vài năm trở lại đây, nên vẫn còn ít người biết đến.

Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, sau năm đầu học chung, từ năm thứ hai, sinh viên bộ môn Phục hồi chức năng sẽ được chọn theo một trong 3 chuyên ngành: vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu.

“Hoạt động trị liệu có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân phục hồi các hoạt động chức năng trong sinh hoạt hằng ngày, từ vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, ăn uống cho đến những hoạt động ‘cao cấp’ hơn như lao động, học tập”, bác sĩ Phạm Dũng, giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV), chia sẻ trong hội thảo “Hoạt động trị liệu-Cơ hội và lựa chọn” tại Trường ĐH Y dược TP.HCM chiều 15.10.

Nhiều sinh viên đến tham dự hội thảo của Trường ĐH Y Dược TPHCM được trải nghiệm điều khiển xe lăn để hiểu cảm nhận của bệnh nhân

LAN CHI

Theo bác sĩ Dũng, nhờ hoạt động trị liệu, người bệnh cải thiện được khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội, thích nghi được với công việc, nghề nghiệp trong tình trạng bản thân khuyết tật hoặc đang có vấn đề về sức khỏe, từ đó chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn.

“Một điểm rất thú vị là dựa trên nền tảng kiến thức chuyên ngành, chuyên viên hoạt động trị liệu có thể áp dụng bất kỳ hoạt động nào mà bệnh nhân yêu thích trong quá trình điều trị”, tiến sĩ Alexander Tú Nguyễn, giảng viên chương trình hoạt động trị liệu của Trường ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ.

Tiến sĩ Alexander Tú Nguyễn đồng thời đưa ra một ví dụ cụ thể là một động tác rất thường gặp trong các sinh hoạt hằng ngày như đứng lên ngồi xuống, thay vì chỉ hướng dẫn đứng lên ngồi xuống một cách đơn điệu, chuyên viên có thể lồng động tác này vào một điệu múa đơn giản. Từ đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy hứng thú hơn nhiều và có thêm động lực để tập.

Tại hội thảo của Trường ĐH Y Dược TPHCM, sinh viên có cơ hội tham gia trải nghiệm mặc áo khi có một tay để cảm nhận được những khó khăn của người bệnh, từ đó cảm thông hơn và sẽ điều trị phục hồi hiệu quả hơn

LAN CHI

Nói về cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên theo ngành hoạt động trị liệu, bác sĩ Phạm Dũng, chia sẻ nhu cầu về phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng cao trong bối cảnh nước ta đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. “Trong khi đó, nhân lực ở ngành này, nhất là ở hai lĩnh vực mới, ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu, còn rất thiếu”, ông Dũng nói.

Tiến sĩ Alexander Tú Nguyễn hướng dẫn một điệu múa đơn giản, trong đó có lồng động tác đứng lên-ngồi xuống quen thuộc để tạo hứng thú cho bệnh nhân tập hoạt động trị liệu

LAN CHI

Cụ thể, Trường ĐH Y Dược TP.HCM mở khóa hoạt động trị liệu đầu tiên vào năm 2016. Nhiều sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên này đã được các bệnh viện, bao gồm những bệnh viện hàng đầu, “săn đón” trong lúc đang thực tập, chỉ cần ra trường là vào làm việc ngay. Ngoài ra, chuyên viên hoạt động trị liệu có thể làm việc cho những tổ chức phi chính phủ, tham gia vào các dự án cộng đồng.

Tốt nghiệp khóa 1 hoạt động trị liệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, anh Hồ Lê Trung hiện là Trưởng đơn vị hoạt động trị liệu, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng (Bệnh viện 1A) tại TP.HCM.

Nói những trải nghiệm sau 2 năm làm việc, anh Trung chia sẻ: “Trong lĩnh vực hoạt động trị liệu, các bạn rất cần sự tỉ mỉ, tinh tế, biết quan sát bệnh nhân, chăm sóc cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Chuyên viên cũng rất cần sự sáng tạo, nhất là khi cần làm những dụng cụ để tập cho bệnh nhân”.

Tại đơn vị hoạt động trị liệu của Bệnh viện 1A, có những khu “chuyên dụng”, chẳng hạn một phòng lớn được sắp xếp như căn hộ thực thụ, với phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh…

Ở đó, bệnh nhân sẽ được tập làm những động tác thường ngày trong một môi trường thân thuộc như tại nhà. Chẳng hạn, một nữ bệnh nhân sau chấn thương sọ não sẽ tập các bước trong “quy trình” pha nước mắm tại “nhà bếp”. Còn một bệnh nhân trẻ bị mất hai tay, hai chân, sau một thời gian được tập hoạt động trị liệu đã có thể tự múc ăn với dụng cụ thích hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.