Nhiều cơ sở giáo dục chấp nhận bị phạt nặng còn hơn mất nguồn thu?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/06/2021 19:25 GMT+7

Đại diện các trường ĐH cho rằng mức phạt tối đa 150 triệu đồng đối với các vi phạm trong hoạt động giáo dục là vẫn thấp so với nguồn thu từ việc vi phạm. Do đó, nhiều hoạt động sai phạm vẫn còn tồn tại.

Tăng mức phạt

Vào tháng 1.2021, Chính phủ ban hành Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với các hành vi vi phạm... tại các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, nghị định nêu ra các mức phạt tiền đối với vi phạm trong việc thành lập, chia tách các cơ sở tuyển sinh, chương trình đào tạo liên thông liên kết, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; việc cấp văn bằng chứng chỉ...
Tuy nhiên, ngày 16.6.2021, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, trong đó bổ sung một số điều khoản, bao gồm tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm của cơ sở giáo dục.
Cụ thể, mức phạt tăng từ 60-80 triệu đồng lên 80-100 triệu đồng đối với trường CĐ có đào tạo nhóm ngành giáo viên nếu vi phạm quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Còn cơ sở giáo dục ĐH, viện hàn lâm được phép đào tạo trình độ tiến sĩ nếu có vi phạm thì mức phạt tăng từ 80-100 triệu đồng lên 100-150 triệu.
Đối với tuyển sinh, đào tạo trình độ ĐH sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh, mức phạt tăng từ 70-100 triệu đồng lên 70-150 triệu đồng nếu tuyển sai từ 30 người học trở lên.
Bên cạnh đó, hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng quy định, mức phạt tăng từ 70-100 triệu đồng lên 70-100 triệu đồng nếu tuyển sai từ 10 người học trở lên.
Mặt khác, nếu các cơ sở liên kết giáo dục hoặc liên kết đào tạo khi chưa có văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền hoặc thực hiện tự chủ liên kết đào tạo khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định thì mức phạt cao nhất là 150 triệu đồng, thay vì 100 triệu đồng như quy định trước đó...
Như vậy, dự thảo nghị định sửa đổi, mức phạt tối đa đối với cá nhân tăng từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Đối với tổ chức là tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng.

Quan trọng vẫn là công tác thanh tra, giám sát

Nhận xét về dự thảo nghị định sửa đổi, đại diện các trường ĐH cho biết việc phạt tiền kèm theo các hình thức phạt bổ sung là rất cần thiết để hạn chế những vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và làm trong sạch môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, về vấn đề phạt vi phạm trong tuyển sinh, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà lạt, nhìn nhận: "Hiện thí sinh trúng tuyển bằng nhiều phương thức nên tỷ lệ ảo rất nhiều, rất khó để các trường tuyển sinh đúng số lượng chỉ tiêu, không bị vượt quá quy định cho phép là 10%".
Chẳng hạn, chỉ tiêu của Trường ĐH Đà Lạt là 2.800, khi gọi thí sinh trúng tuyển, trường phải gọi dư ra 50% nhưng có năm vẫn thiếu.
"Việc gọi mà không đủ chỉ tiêu thì trường không có cách nào để bù lại khoản thu bị thiếu hụt. Tuy nhiên, nếu các em lại nhập học đúng với số lượng đã gọi, thì trường lại vi phạm. Vì thế, một số trường chấp nhận bị phạt cho dù mức tiền là 100 hay 150 triệu, còn hơn là bị thiếu nguồn thu", ông Duy chia sẻ.
Đối với những vi phạm khác, tiến sĩ Duy cho rằng cần phạt tiền thật nặng kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động vi phạm, khắc phục hậu quả... để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng để tuyển đúng chỉ tiêu là rất khó đối với quy chế tuyển sinh hiện nay, nên nhiều trường phải chấp nhận một trong hai cách là hoặc bị hụt nguồn thu hoặc bị phạt do quá 10%.
"Đối với các vi phạm khác về đào tạo, liên thông, liên kết, kiểm tra đánh giá, cấp văn bằng chứng chỉ, nếu vi phạm thì tôi ủng hộ việc phạt thật nặng để chất lượng giáo dục được đảm bảo", ông Khang nói.
Theo ông Khang, có những vi phạm là không thể khắc phục được, khiến người học phải gánh chịu hậu quả, chẳng hạn chưa được cấp phép mà đã tuyển sinh và đào tạo, thì dù cấp bằng rồi cũng vẫn bị thu hồi.
"Chính vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện vi phạm là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giám sát của các bộ ngành còn rất mỏng trong khi số lượng trường ĐH, CĐ quá nhiều nên khó tránh khỏi việc bỏ sót vi phạm. Khi "việc đã rồi" thì giải quyết hậu quả sẽ rắc rối hơn", thạc sĩ Khang chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.