Cần rất nhiều!
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, nhìn nhận: "Ngành y tế phải xoay xở, gồng mình chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua. Vào những thời điểm dịch bùng phát mạnh với các ổ dịch lớn, đất nước phải huy động toàn lực đội ngũ y bác sĩ ra tuyến đầu, nhưng vẫn phải có một lực lượng ở lại các bệnh viện, trung tâm y tế để duy trì hoạt động".
"Trong lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, đội ngũ quân y với dân y, thậm chí các bác sĩ, nhân viên y tế đã về hưu, cùng sinh viên ngành y đều vận động hỗ trợ. Điều đó cho thấy nhân lực ngành y hiện tại rất cần và trong thời gian tới phải được chú trọng để đáp ứng nhu cầu về số lượng lẫn những tình huống cấp bách vì dịch Covid-19 chưa thể biến mất hoàn toàn trong vài năm tới", bác sĩ Tiến lưu ý.
|
Theo bác sĩ Tiến, lực lượng điều dưỡng, y sĩ đa khoa... vẫn cần số lượng nhiều hơn để hỗ trợ điều tra dịch tễ, xét nghiệm, phục vụ tại các khu cách ly, khu phong toả... "Trong thời chiến trước đây, lực lượng điều dưỡng không đủ nên chúng ta phải cấp tốc đào tạo trong 6 tháng thay vì quy định phải 3 năm. Trong khi đó, ngành y tế hiện nay không tuyển nhân viên y tế tốt nghiệp trung cấp. Do đó, nếu có tình huống cấp bách thì dù phải rút ngắn thời gian đào tạo, chúng ta cũng phải làm".
Đồng quan điểm đó, ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự báo nhu cầu nhân lực khối ngành sức khoẻ sắp tới sẽ tăng mạnh để đáp yêu cầu thực tế.
"Dịch bệnh còn tiếp diễn, chúng ta còn cần đội ngũ y bác sĩ không chỉ tập trung ở tuyến đầu chống dịch mà còn thường trực khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế... Con số đó chắc chắn tăng so với thời gian trước. Hiện trung tâm chúng tôi đang thực hiện khảo sát để có số liệu cụ thể", ông Vân thông tin.
Nhưng nguồn tuyển lại ít
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Đình Bá, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Quang Trung, nhận định có một nghịch lý là nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng nguồn tuyển lại rất ít.
"Sau khi có quy định dừng tuyển nhân viên y tế có trình độ trung cấp kể từ đầu năm 2021, người có nhu cầu học khối ngành sức khỏe ở trình độ trung cấp gần như giảm rất nhiều. Trường phải liên kết với các trường CĐ để hỗ trợ liên thông mới có thể tuyển sinh. Tuy nhiên, học xong, nhiều em lại chán nghề, đi làm ngành nghề khác vì nhiều lý do như mức lương còn thấp, công việc vất vả, đơn vị tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm", ông Bá lưu ý.
Một nguyên nhân thứ 2 là nhu cầu xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Đức... trong ngành chăm sóc sức khỏe đang tăng cao, khiến nhiều em lựa chọn đi thay vì làm việc trong nước, theo ông Bá. "Thời gian qua rất nhiều phòng khám, bệnh viện tư nhân, nhà thuốc... cần tuyển dụng nhưng không nhiều người đáp ứng được yêu cầu là "yêu nghề, gắn bó với nghề". Thời gian tới, y tế cộng đồng, các khu dưỡng lão, chăm sóc người già... càng cần hơn nữa nhân lực ngành y", ông Bá nói.
|
Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cũng đánh giá nhu cầu nhân lực đối với ngành điều dưỡng nhu cầu càng cao.
"Dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của cả người đang theo học và người chuẩn bị lựa chọn học khối ngành chăm sóc sức khoẻ. Các em lo lắng vì ngành học này chính là nơi tiếp cận với dịch bệnh nhiều nhất", bà Thu chia sẻ.
Do đó, để tuyển sinh, trường của bà Thu động viên các em rằng đây là nghề cứu người, cần có tình yêu nghề và trái tim nhân ái. "Chúng tôi cũng cố phân tích cho các em thấy nếu làm việc theo quy trình thì vừa tự bảo vệ mình vừa bảo vệ được những người đang rất cần các em. Những lúc nguy hiểm nhất như thời điểm dịch bệnh hiện nay cũng chính cơ hội việc làm mở rộng nhất", bà Thu chia sẻ.
Ngoài ra, bà Thu cho biết về nhân lực ngành y, các bệnh viện như Nhi đồng 2, Nhi đồng TP.HCM, Nhiệt đới, Q.12... trong thời gian qua vẫn đến các trường tuyển dụng trực tiếp nhân viên y tế.
Bình luận (0)