Hôm nay, 7.8, Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã họp bàn phiên đầu tiên, nhằm đánh giá thực trạng hoạt động gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp
trong thời gian tới.
|
Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhóm trưởng nhóm thư ký của tổ công tác, việc gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, mà nguyên do đến từ 2 phía.
Ông Hùng cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động hiện chiếm rất thấp, tỉ lệ chung là 36,29%, với các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 30,18%. Nếu có đào tạo, thường thì doanh nghiệp chọn xu hướng tự đào tạo, chứ ít chọn cách hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo. Điều này khiến cho doanh nghiệp ít có đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo lao động cũng như chưa thể hiện được trách nhiệm của mình với hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói chung.
Mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu có thì phần lớn cũng chỉ dừng lại ở hình thức tiếp nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp. Mà ngay cả với hình thức này, cũng chỉ có bình quân gần 5% số doanh nghiệp thực hiện. Nếu tính riêng khối doanh nghiệp nhà nước thì tỉ lệ này cao hơn khá nhiều (14%).
Theo ông Hùng, điều đáng lo ngại là khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp dù đã khá đầy đủ, nhưng vẫn chưa được áp dụng trong thực tiễn, do hiện còn thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp.
Ông Hùng nói: “Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp. Một phần vì tính chất của công việc sản xuất, phần khác vì nếu tuyển người lao động qua đào tạo thì doanh nghiệp phải trả lương cao hơn”.
Bình luận (0)