Nên ưu tiên gạo đã nằm sẵn ở cảng
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) - công ty hiện đang tồn tại cảng Cát Lái gần 4.500 tấn gạo, chưa xuất đi được do lệnh tạm ngưng xuất khẩu (XK) từ ngày 24.3. “Đùng một cái, sáng sớm đầu tuần ngày 13.4 vào văn phòng mới hay hôm qua chủ nhật hải quan mở hệ thống đăng ký tự động, các công ty đăng ký hết hạn ngạch mất rồi dù nhân viên công ty trực liên tục cũng không thấy thông tin. Quá bất ngờ và quá khó hiểu!”, ông Đôn kể lại và nhấn mạnh việc cho mở tờ khai ngay trong đêm, lại là đêm cuối tuần là thiếu minh bạch. “Tại sao Tổng cục Hải quan không có thông báo trước cho doanh nghiệp (DN) về thời gian sẽ mở cửa để làm tờ khai XK gạo theo hạn ngạch? Đáng lẽ hải quan phải ưu tiên cho hàng đã làm tờ khai giữa chừng, đã chở gạo đóng container ra tại cảng rồi làm thủ tục trước. Tổng lượng gạo các DN đang tồn chờ xuất hơn 250.000 tấn. Làm thủ tục cho số đó xuất rồi, còn gần 150.000 tấn mới tính đến chuyện cho mở tờ khai mới”, ông Đôn bức xúc đặt một loạt câu hỏi và kiến nghị, các tờ khai trong khuya 11.4 và ngày 12.4 nếu chưa thu mua kịp để chở gạo ra cảng, mà chỉ kiểu “xí phần” thì nên hủy bỏ. DN đã làm thủ tục giữa chừng, đã chở gạo ra cảng cần phải được ưu tiên tham gia xuất theo hạn ngạch tháng 4.
Chính phủ yêu cầu 2 Bộ báo cáoTrước phản ánh của nhiều DN, Văn phòng Chính phủ ngày 15.4 đã liên tiếp có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương yêu cầu báo cáo liên quan đến vấn đề XK gạo. Theo đó, yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép XK trong tháng 4 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các DN, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo XK của từng DN đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công thương về việc này. Bộ Tài chính cũng cần báo cáo về việc mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Giao Bộ Công thương báo cáo về công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong XK gạo. Văn phòng Chính phủ yêu cầu 2 bộ kể trên báo cáo Thủ tướng trước ngày 18.4 tới.
|
Hạn ngạch tạo cơ chế xin cho
Chuyên gia nông nghiệp - GS-TS Võ Tòng Xuân nói thẳng: “Tôi ngạc nhiên nhất là chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ thì số lượng đăng ký tờ khai đã sát với hạn ngạch 400.000 tấn được phép xuất đi trong tháng 4 mà tại sao không phải là số lên 401.000 tấn vì các DN không thể biết được số lượng của đơn vị khác? Điều này khiến DN cho rằng khuất tất và không công bằng là đúng. Các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT cần nghiêm túc xem xét lại để kiến nghị Chính phủ mở cửa XK lại bình thường khi giá gạo đang cao, khuyến khích người nông dân và DN tiếp tục phát triển cây lúa”. GS Võ Tòng Xuân cho rằng không nên dừng XK gạo vì trong nước vẫn tồn kho cao. Đặc biệt các DN đã ký hợp đồng trước khi có lệnh ngưng XK và đã đưa gạo ra cảng thì phải được ưu tiên cho xuất trước trong tháng 4 này. Nếu không DN bị phạt hợp đồng thì khoản này ai trả thay? Đây là thời điểm khó khăn, dịch Covid-19 làm tan hoang hết mọi DN ngành nghề thì XK gạo là điểm sáng để một số DN kiếm được tiền, đảm bảo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân và người nông dân. Do đó, cần được tạo điều kiện hơn là ngăn cản. “Việc áp dụng hạn ngạch sẽ gây ra cơ chế xin cho và tiêu cực”, GS Xuân nói.
Diễn biến về hoạt động xuất khẩu gạo từ ngày 23.3 đến nay Ngày 23.3
Thông báo 121/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19, tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.
Ngày 24.3
Tổng cục Hải quan có công văn hỏa tốc yêu cầu ngưng thông quan xuất khẩu gạo.
Ngày 24.3
Bộ Công thương có Văn bản 2101 kiến nghị Thủ tướng tạm ngưng thực hiện Thông báo 121/TB-VPCP ngày 23.3.
Ngày 28.3
Bộ Công thương có Văn bản 2237 gửi Thủ tướng đề nghị cho xuất khẩu gạo lại.
Ngày 6.4
Bộ Công thương có Công văn hỏa tốc 2412 báo cáo Thủ tướng cho xuất khẩu gạo lại và có kiểm soát.
Ngày 10.4
Thủ tướng đồng ý phương án xuất khẩu gạo của Bộ Công thương cho phép hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn trong tháng 4, hiệu lực từ
0 giờ ngày 11.4. Ngày 13.4
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phản ứng việc đăng ký mở tờ khai nhưng hết hạn ngạch theo trả lời của hệ thống hải quan tự động. (Thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24 giờ ngày 11.4 đến 19 giờ 34 ngày 12.4 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục hải quan; số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.999 tấn. Khi đủ mức 400.000 tấn, hệ thống tự động dừng tiếp nhận).
|
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, cũng cho rằng việc áp dụng hình thức bằng hạn ngạch sẽ đẻ ra cơ chế xin cho, thiếu minh bạch và phát sinh tiêu cực khiến các DN bị thiệt hại nặng. Ông nhấn mạnh: Chính phủ hiện nay cần ưu tiên giải quyết cho các hợp đồng XK gạo mà DN đã ký trước vì nếu không cả DN lẫn người nông dân đều sẽ chết. Sau đó mới tính đến cho phép các DN khác tham gia xuất gạo nếu vẫn áp dụng lượng xuất đi hạn chế như trong tháng 4. Quan trọng hơn là cần công khai các số liệu về dự trữ, tồn kho rõ ràng để cả DN và người dân cùng hiểu với mục tiêu lâu dài là dù XK cũng luôn đảm bảo có kiểm soát để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Bình luận (0)