Là địa phương ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới và hiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng. Tuy nhiên, đi cùng với việc khôi phục nhanh hoạt động sản xuất thì công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đóng vai trò quan trọng, thậm chí có thể coi là quyết định để hoạt động sản xuất ổn định và bền vững. Tọa đàm này nhằm để hiểu rõ các doanh nghiệp đang chủ động tổ chức phòng, chống dịch như thế nào, đâu là những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, thích ứng an toàn với Covid-19.
Tọa đàm "Sản xuất an toàn trong đại dịch" diễn ra sáng 13.12 |
VGP |
Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, qua đợt dịch này, các doanh nghiệp tại TP.HCM đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có một thích ứng chung là đã bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe. Nhiều công ty đã có lực lượng nhân sự tham gia vào quy trình này, là nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế. Đồng thời, doanh nghiệp đã sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh như các hoạt động của văn phòng mang tính trực tuyến nhiều hơn, các cuộc họp sẽ hạn chế họp trong phòng kín, đông người; Thay đổi dây chuyền đầu tư mới và chấp nhận chi phí cao hơn, để bố trí các công nhân đứng cách nhau khoảng 2 m...
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chia sẻ hiện nay có 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, đã có 1.408 đơn vị trên tổng số 1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với trên 280.000 lao động. Điều này cho thấy các công ty đã thích ứng với quy trình sản xuất trong điều kiện bình thường mới như không còn lúng túng khi phát hiện ca F0; có nhân viên y tế tại công ty… Nhưng doanh nghiệp hiện nay vẫn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, cần được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp…
Bình luận (0)