Stress vì giúp việc
Cả tuần nay, hai vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Giang, nhân viên văn phòng ở Q.Hai Bà Trưng, phải thay nhau xin nghỉ phép ở nhà trông con, trong lúc giúp việc chưa lên Hà Nội. Sau 2 lần cho giúp việc gia hạn, cuối cùng chị Giang lại bị “bỏ bom”.
“Bác giúp việc hứa mùng 6 đi làm nhưng vì dịch Covid-19 nên hẹn xuống Hà Nội trễ 1 tuần. Giờ thì hết rằm, bác lại bảo con cái chưa cho đi, hết dịch sẽ ra. Thà như họ nói với mình ngày từ đầu, vợ chồng mình còn biết tìm người khác thay thế. Con thì đứa ốm, đứa phải kèm học trực tuyến, nhà cửa bừa bộn, xoay chóng hết cả mặt khiến mình sắp stress vì giúp việc”, chị Giang thở dài.
Nếu những năm trước, người giúp việc thường lấy cớ lương thấp, chế độ ưu đãi chưa phù hợp để trì hoãn trở lại sau tết, thì năm nay, lý do chính lại là sợ dịch Covid-19. Trên các nhóm diễn đàn tìm kiếm người giúp việc, hầu như ngày nào cũng có hàng trăm bà mẹ bỉm sữa “kêu cứu”, cần tìm giúp việc đi làm ngay. Giá giúp việc từ 5 triệu đồng đối với gia đình có ít thành viên, ở chung cư, tập thể và 6 triệu đồng đối với gia đình có 2 thế hệ hoặc ở chung cư có diện tích rộng. Tuy nhiên, cũng có những người sẵn sàng “phá giá” lên đến 6,5 - 7 triệu đồng, chỉ mong tìm giúp việc càng sớm càng tốt.
Chị Thùy Mai, nhà ở một khu đô thị trên đường Minh Khai (Hà Nội), bộc bạch: “Nhà mình có một bé trai 2 tuổi rưỡi và mình sắp sinh em bé thứ 2 nên cần người gấp. Cả ông bà nội ngoại đều ở Hải Phòng, đợt này có dịch không tiện đi lại, buộc phải tìm kiếm người. Nhà có cả con nhỏ và bà bầu, để đảm bảo an toàn, yêu cầu chọn người của mình khắt khe hơn. Yêu cầu bắt buộc là không đến từ những tỉnh thành có dịch. Mình đã đăng tin tuyển người, trả 6,5 triệu đồng, làm tốt có thể tăng lên 7 triệu đồng/tháng, nhưng 3 ngày rồi vẫn chưa tìm được người ưng ý”.
Nhiều gia đình đã phải nhờ cậy đến ông bà, người thân, thậm chí là tìm giải pháp tạm thời là thuê giúp việc theo giờ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa không ngủ lại nhà, lương từ 40.000 - 50.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, do sinh viên các trường đại học - cao đẳng đang được nghỉ dịch nên không dễ tìm người, bởi nguồn sinh viên đi làm thêm thời điểm này cũng rất khan hiếm.
Dịch vụ không tăng, nhưng nguồn khan hiếm
Khảo sát tại một số trung tâm cung cấp giúp việc gia đình tại Q.Hoàng Mai, Q.Cầu Giấy, Q.Nam Từ Liêm,… hầu hết đều khan hiếm giúp việc sau tết. Mức phí dịch vụ cung cấp người giúp việc từ 1,5 - 1,7 triệu đồng, khách hàng được đổi người không giới hạn. Đáng chú ý, mức lương của người lao động năm nay không tăng so với các năm trước, duy trì từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Do không có nguồn sẵn, một số đơn vị cung cấp cam kết tìm người trong 2 - 7 ngày làm việc. Khách hàng có nhu cầu có thể đặt người giúp việc theo độ tuổi, giới tính, trình độ, kỹ năng, cá tính... Chị Vũ Thị Nguyệt, nhân viên Phòng giúp việc ở lại, Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thanh Bình - trang Giúp việc 88 (Q.Cầu Giấy), cho hay: “Nguồn lao động giúp việc bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, nhất là giúp việc ở lại gia chủ. Nhiều cô bác giúp việc sợ dịch chưa lên, thậm chí còn không hẹn ngày trở lại, mà chỉ hứa hẹn sẽ liên hệ lại sau”.
Trong khi đó, theo chị Nguyệt, lượng khách hàng có nhu cầu thuê giúp việc tăng đột biến, nhiều gia đình giúp việc cũ không lên cũng phải nhờ qua các đơn vị tuyển dụng. Chị Nguyệt cho biết, để phòng chống dịch bệnh và kết nối với khách hàng, hàng ngày, công ty sẽ đăng tải danh sách lao động kèm theo thông tin cơ bản về lao động: như hình ảnh, kinh nghiệm làm việc, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng bản thân, những công việc có thể làm… Khách hàng có thể lựa chọn qua Facebook hoặc Zalo.
Theo Công ty giúp việc Nguồn sạch ở Q.Nam Từ Liêm, đơn vị này chuyên cung ứng giúp việc cho cả doanh nghiệp, nhà hàng, bệnh viện,… nhưng thời điểm này, nhu cầu thuê giúp việc gia đình chiếm tới hơn 70%.
Chị Trần Thị Hằng Nga, quản lý Công ty giúp việc Nguồn sạch, cho hay: “Trước đây, nguồn giúp việc của công ty khá dồi dào, chúng tôi tuyển người lao động từ ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, thậm chí là tuyển cả người ở miền Trung từ Quảng Trị trở ra. Sau tết, không riêng người ở những vùng có dịch, mà ở các tỉnh khác cũng sợ dịch, hạn chế đi lại”.
Trước việc tuyển dụng giúp việc khó khăn, để tránh những rủi ro không mong muốn trong quá trình hợp tác giữa người lao động và gia chủ, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, lưu ý: “Trước khi nhận người, chủ nhà cần ký hợp đồng nêu rõ ràng mức lương, thưởng, ngày nghỉ phép với người giúp việc bằng giấy tờ và có chữ ký của cả hai bên, tránh hợp đồng miệng, dẫn đến mâu thuẫn về sau. Bên cạnh đó, chủ nhà cần tạo điều kiện cho người giúp việc có nơi ăn chỗ ở đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư và cuộc sống riêng của người giúp việc; hướng dẫn lịch trình, công việc, sở thích của các thành viên trong nhà và những điều cần tránh. Quan trọng nhất là tạo môi trường gia đình thân thiện để người giúp việc gắn bó lâu dài với mình”.
Bình luận (0)