Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo khoản 2 điều 161 của bộ luật Lao động năm 2019 để phù hợp với đặc thù của lao động giúp việc gia đình, gắn với yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo nghị định tập trung quy định cụ thể một số nội dung đặc thù áp dụng đối với lao động giúp việc gia đình về hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi ký kết HĐLĐ, mẫu HĐLĐ, thời hạn báo trước và trách nhiệm của các bên khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ...
Đáng chú ý, dự thảo quy định trách nhiệm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cho người lao động, ít nhất nghỉ 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng. Dự thảo đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đến hết ngày 27.7.2020.
Người ủng hộ, người bảo “căng quá”
Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ dự thảo nghị định trên. BĐ Xuân Huy viết: “Người giúp việc là người lao động, do vậy họ được nghỉ ít nhất 4 ngày mỗi tháng là rất đúng. Nên đưa vào luật để bảo vệ người giúp việc. Tôi ủng hộ”.
Cùng quan điểm, BĐ Công Hậu cho rằng: “Chủ nhà nghỉ được thì người giúp việc cũng nghỉ được. Quy định này rất văn minh”.
BĐ Đức Cao chia sẻ: “Cán bộ, công chức còn được nghỉ 2 ngày/tuần, sao người giúp việc không thể nghỉ mỗi tuần 1 ngày? Tôi ủng hộ, nên quy định rõ ràng mỗi tháng nghỉ 4 ngày để đảm bảo cho người giúp việc được pháp luật thừa nhận ngày nghỉ”.
Trong khi đó, nhiều BĐ lại cho rằng người giúp việc mà nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng thì... khó cho chủ nhà. BĐ Khánh Huy cho biết: “Người giúp việc mà nghỉ 4 ngày/tháng thì phải thuê thêm 1 người làm vào 4 ngày nghỉ đó. Lại khó rồi. Tìm được một người giúp việc đã khó lắm rồi, nay phải tìm thêm người nữa sao?”.
BĐ Thường cũng cho rằng: “Làm thế coi chừng ép chủ nhà quá, nhất là nhà có con nhỏ, người già. Tôi nghĩ nên để 2 bên tự thỏa thuận là tốt nhất”. Còn BĐ Ðiều thì kể: “Nhà tôi vợ đẻ, mới kiếm được người giúp việc. Nếu người giúp việc nghỉ 4 ngày/tháng chắc... chết. Nên để hai bên thỏa thuận, vì mỗi nhà mỗi khác”.
Phải có hợp đồng lao động
“Hai bên tự thỏa thuận miệng”, đó là thực tế hiện nay giữa người giúp việc và chủ nhà, được nhiều BĐ cũng nêu ra. BĐ Hoàng Hiệp cho biết: “Rất nhiều người ở quê ra làm giúp việc nhà, có biết gì mà HĐLĐ. Cứ ai đó giới thiệu, nói miệng với nhau rồi làm thôi. Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì quá tốt, mà không tốt đẹp thì cũng coi như... xong. Làm gì được nhau?”.
BĐ Diệu Linh bày tỏ: “Tôi nghĩ đã đến lúc bắt buộc phải có HĐLĐ để bảo vệ cho cả hai bên. Nhiều chủ nhà ngậm đắng nuốt cay khi người giúp việc “vơ” một mớ tiền, đồ trong nhà rồi biến mất. Nhưng cũng có nhiều người giúp việc bị chủ nhà o ép, bắt làm quá nhiều, ăn uống kém, lại chẳng cho nghỉ ngơi”.
Cùng quan điểm, BĐ Tý cho biết: “Tôi sợ nhất là thỏa thuận miệng, sau đó chẳng biết ai đúng ai sai. Cứ hợp đồng, giấy trắng mực đen. Sau này không giải quyết được thì đưa ra tòa. Cứ theo pháp luật mà làm”.
Bình luận (0)