Nhiều giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo

Nguyễn Long
Nguyễn Long
17/10/2023 06:30 GMT+7

Ngày 16.10, UBND H.Côn Đảo tổ chức hội nghị triển khai đề án "Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững H.Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết H.Côn Đảo đang đứng trước những thách thức, khó khăn như thiếu nước sinh hoạt, vấn đề xử lý rác thải, năng lượng, hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thách thức trong việc giải "bài toán" cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển bền vững của H.Côn Đảo. Vì vậy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện đề án.

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo - Ảnh 1.

Ông Đặng Minh Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa

NGUYỄN LONG

Đề án được triển khai qua 6 nhóm giải pháp gồm: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn qua hai giai đoạn 2022 - 2025 và 2026 - 2030.

Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Côn Đảo, mong muốn các chuyên gia và nhà khoa học đóng góp các giải pháp để đổi mới cơ chế hiện tại, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý chất thải dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tại Côn Đảo để hỗ trợ việc phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phục vụ việc chuyển đổi sản phẩm thải thành tài nguyên tái chế trong chu trình sản xuất mới. Ông Phong cũng đề xuất xây dựng một lộ trình thay thế việc sử dụng nhiên liệu và sản phẩm gây hại cho môi trường bằng các nguồn năng lượng và sản phẩm thân thiện hơn. Đặc biệt, cần tập trung vào việc giảm sự sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần tại Côn Đảo thông qua xây dựng các quy chế đặc thù. Đề xuất các biện pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các cơ hội về tài chính và công nghệ trong quá trình thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo.

Ưu đãi thuế cho phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, mô hình để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo như mô hình quản lý rác thải nhựa, công nghệ mới trong xử lý rác hữu cơ, giải pháp kinh tế tuần hoàn đối với việc xử lý rác thải Côn Đảo… PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, kiến nghị cần điều chỉnh luật Tổ chức chính quyền địa phương và văn bản có liên quan hướng đến cho phép H.Côn Đảo thành đặc khu kinh tế. Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo được xét cấp phép đầu tư cho các nguồn vốn đầu tư trong nước cho những ngành nghề được xác định trong mô hình kinh tế tuần hoàn của Côn Đảo. Những dự án có yếu tố nước ngoài thì do bộ, ngành T.Ư cấp phép theo hướng thủ tục tinh giản. Ban hành chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh, hỗ trợ vay tiêu dùng từ nguồn kích cầu cho sản phẩm tái chế tại Côn Đảo, trợ giá đối với một số mặt hàng tái chế hoặc năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học từ nguồn quỹ giảm phát thải. Các doanh nghiệp sử dụng hơn 50% sản phẩm của chuỗi kinh tế tuần hoàn được hưởng chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp xã hội. Nghiên cứu ban hành quy định cấm sử dụng túi ni lông, vật liệu không khả năng tái sinh, thiết bị chỉ dùng một lần. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.