Nhiều học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp: Vận động học sinh thi cụm địa phương?

Phản ánh của phụ huynh và học sinh cho biết có lãnh đạo trường THPT ép học sinh phải thi cụm thi địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến cho... dễ đậu.

Phản ánh của phụ huynh và học sinh cho biết có lãnh đạo trường THPT ép học sinh phải thi cụm thi địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến cho... dễ đậu.

>> Nhiều học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia. TP.HCM là một trong ít nơi không tổ chức cụm địa phương. Thí sinh dự thi nhằm mục đích gì cũng phải thi ở cụm do trường ĐH chủ trì - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia. TP.HCM là một trong ít nơi không tổ chức cụm địa phương. Thí sinh dự thi nhằm mục đích gì cũng phải thi ở cụm do trường ĐH chủ trì - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chỉ tư vấn chọn cụm thi phù hợp !
Một học sinh (HS) tỉnh Trà Vinh cho biết đã được trường khuyên chỉ nên thi tại cụm thi tỉnh nếu có học lực trung bình. HS này cho rằng mình cảm thấy rất bất công.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh), khẳng định Sở không có chỉ đạo nào về việc này dù bằng văn bản hay phát ngôn trong cuộc họp. Sở chỉ chỉ đạo giáo viên tư vấn cho HS cách chọn lựa cụm thi phù hợp với bản thân về năng lực học tập và điều kiện di chuyển. Tuy nhiên ông Minh nói: “Có thể trong số vài chục hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn tỉnh, có thể có một vài người suy nghĩ chưa thấu đáo nên để xảy ra hiện tượng trên. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau, vì thời điểm này việc đăng ký cụm thi không thay đổi được nữa”.
Tương tự, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cũng cho hay Sở này không chỉ đạo ép HS phải thi ở cụm nào vì như vậy là vi phạm luật. Trách nhiệm của thầy cô là tư vấn, trên cơ sở đó HS sẽ tự quyết định việc chọn lựa.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi năm nay có khoảng hơn 14.000 thí sinh (TS) sẽ dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho hay hiện có khoảng 4.200 HS đăng ký dự thi cụm địa phương và 10.000 đăng ký cụm do Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức.
“Sở có tổ chức làm việc với các hiệu trưởng và cả HS, phụ huynh nhằm tư vấn, đưa ra những thuận lợi, khó khăn, cái được và mất của việc thi tại địa phương và thi tại cụm thi liên tỉnh để HS lựa chọn. Trong tỉnh có rất nhiều TS nghèo, xa xôi, dân tộc ít người, trong đó có những em học lực trung bình, nên chúng tôi cũng khuyên là thi tại địa phương sẽ không phải tốn tiền di chuyển, chỉ phải thi 4 môn tốt nghiệp mà vẫn có cơ hội vào ĐH, CĐ bằng phương thức xét tuyển học bạ”, ông Dụng chia sẻ. Được biết, huyện đảo Lý Sơn có 270 HS lớp 12 thì chỉ có 48 người chọn thi cụm địa phương. “Dù tư vấn nhưng quyền lựa chọn cụm thi vẫn là của TS và phụ huynh”, ông Dụng khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích những HS có học lực trung bình, yếu nên thi tại cụm thi địa phương vì mục đích của các em chỉ để tốt nghiệp. Các em sẽ không phải đi xa, tránh được sự tốn kém tiền bạc và công sức”. Ông Hoài nhấn mạnh: “Sở làm công tác tư tưởng với các hiệu trưởng về việc này thôi chứ hoàn toàn không ép buộc. Các hiệu trưởng sẽ biết được sức học và nguyện vọng của HS, từ đó khuyên các em nên chọn cụm thi nào. Nếu em nào học yếu mà vẫn muốn xét vào ĐH, CĐ thì chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em đi thi ở cụm do trường ĐH tổ chức”.
Trước mắt là phải đậu tốt nghiệp
Ngày 5.5, ông Nguyễn Công Luận, Hiệu trưởng Trường THPT Tiểu La (H.Thăng Bình, Quảng Nam), cho biết nhà trường đã có định hướng cho những HS năng lực học tập yếu nên chọn dự thi tốt nghiệp tại cụm thi địa phương.
Ông Luận đưa ra con số trường có 619 HS, nhưng có đến 514 HS đăng ký dự thi cụm thi ĐH, 105 đăng ký cụm thi địa phương. “Theo con số này thì không có chuyện chúng tôi vận động các HS chọn thi ở cụm địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi có định hướng cho các em rằng, với khả năng học tập không thể đỗ ĐH thì nên lựa chọn cụm thi địa phương để phù hợp với trình độ của mình. Đó là trách nhiệm của chúng tôi với các em”, ông Luận cho biết.
Theo ông Luận, trước đây Trường Tiểu La tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 HS toàn huyện nên đầu vào chất lượng cao hơn so với 3 năm trở lại đây (xét tuyển theo địa bàn khu vực). Với chất lượng HS như thế, trong kỳ thi THPT quốc gia nhà trường “phải làm tốt công tác tư vấn”.
Theo quan điểm của nhà trường, nếu trong năm học này các em chưa đủ khả năng để đỗ ĐH thì nên giải quyết nhu cầu trước mắt là đậu tốt nghiệp. HS còn có 1 năm đầu tư vào một khối thi để xét tuyển thì vẫn hiệu quả hơn là không đạt trong kỳ thi tốt nghiệp.
Đối với những HS thi ở cụm địa phương vẫn có cơ hội xét tuyển CĐ, ĐH những trường xét học bạ phổ thông - chủ yếu là những trường tư thục. “Quan điểm chỉ đạo của Sở không hề chủ trương cụm địa phương dễ hơn cụm do trường ĐH tổ chức. Tâm lý này nảy sinh trong HS, phụ huynh chẳng qua là đoán già đoán non vậy thôi. Quyền ở các HS chứ không ai cầm tay buộc các em chọn thi ở Quảng Nam (cụm thi địa phương) hay Đà Nẵng (cụm thi ĐH)”, ông Luận khẳng định.
Bộ GD-ĐT khẳng định 2 cụm thi nghiêm túc như nhau
Nhiều người băn khoăn việc tổ chức thi ở các cụm thi khác nhau có thể tạo ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT khi mà nơi thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc, nơi có thể sẽ dễ dãi hơn?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Kỳ thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi, với kỹ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước”.
Ông Trinh cho rằng xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính nghiêm túc của các kỳ thi trước đây do sở GD-ĐT chủ trì. Bộ đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi tại tỉnh. Bộ không phân biệt TS cụm thi nào, các TS đều cùng làm một đề thi. Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin cậy cao.
Đặc biệt, đối với các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi. Các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường, trong đó có việc sử dụng phần mềm quản lý thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến hỗ trợ TS; các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ và xã hội có thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lý kết quả thi.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.