Nhiều khuyến nghị điều chỉnh quan hệ kinh tế Việt - Trung

27/09/2014 02:00 GMT+7

Hôm nay (27.9), Diễn đàn kinh tế mùa thu - một hoạt động thường niên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - sẽ được tổ chức tại Ninh Bình. Trước ngày diễn đàn được tổ chức, nhiều tham luận về những vấn đề nổi cộm của nền kinh tế như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của các ngân hàng... đã được gửi tới ban tổ chức. Đáng chú ý, một số chuyên gia kinh tế đã lên tiếng riêng về vấn đề quan hệ kinh tế VN - Trung Quốc (TQ).

Hôm nay (27.9), Diễn đàn kinh tế mùa thu - một hoạt động thường niên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - sẽ được tổ chức tại Ninh Bình. Trước ngày diễn đàn được tổ chức, nhiều tham luận về những vấn đề nổi cộm của nền kinh tế như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của các ngân hàng... đã được gửi tới ban tổ chức. Đáng chú ý, một số chuyên gia kinh tế đã lên tiếng riêng về vấn đề quan hệ kinh tế VN - Trung Quốc (TQ).

Cụ thể, theo PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, quan hệ kinh tế Việt - Trung đã không bình thường về nhiều mặt trong nhiều năm nay. Trong quan hệ thương mại, từ năm 2004, mặc dù TQ là đối tác thương mại lớn nhất của VN nhưng nhập siêu từ nước này quá lớn (có năm như 2013, nhập siêu từ TQ lên tới 23,7 tỉ USD), trong nhiều thời điểm, TQ chiếm gần như toàn bộ giá trị nhập siêu của VN làm mất cân bằng cán cân thương mại của VN.

Về đầu tư, tuy đầu tư trực tiếp của TQ vào VN không thuộc loại lớn nhưng cũng rất lệch khi đến nay TQ đã đầu tư vào VN trên 1.000 dự án với số vốn gần 6 tỉ USD trong khi VN mới có 13 dự án đầu tư sang TQ với 16 triệu USD. Nhưng những công trình, dự án do TQ đầu tư vào VN cũng lại là một nguyên nhân khiến làm gia tăng nhập siêu do TQ gần như nhập toàn bộ máy móc, thiết bị nhưng đáng nói hơn là nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến kinh tế VN. Sự kiện TQ đưa giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của VN sẽ mở ra một thời kỳ quan hệ kinh tế giữa 2 nước sẽ phức tạp, căng thẳng hơn rất nhiều so với giai đoạn “bình thường hóa” quan hệ từ 1991 đến nay. Chuyên gia này đề nghị, cần nhìn nhận quan hệ kinh tế Việt - Trung một cách tổng thể, dài hạn; ưu tiên trước mắt là tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để nâng cao vị thế trong quan hệ kinh tế - thương mại với TQ; mở rộng hơn nữa các quan hệ kinh tế - thương mại với các đối tác khác, nhất là với các nền kinh tế đã phát triển.

Trong một diễn biến khác, Bộ NN-PTNT hôm qua cho biết ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 2,91 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt 938 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 26,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ TQ, chiếm 9,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đối với thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 567 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2013. TQ cũng là thị trường nhập khẩu chính, chiếm 55,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ thị trường này đã tăng 14,3%. Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 9 tháng đầu năm cũng đạt gần 2,54 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (35,6%), Mỹ (13%) và TQ (9,9%). Riêng kim ngạch nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường TQ trong 8 tháng đầu năm 2014 đã tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Quang Thuần - Hà Nguyễn

>> Giảm thiểu nhập siêu lớn từ Trung Quốc
>> Tăng trưởng nhập siêu từ Trung Quốc giảm còn 19%
>> Cú hích giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.