Không trường y dược, kinh tế nào lọt vào top 10
Hôm qua, tại Hà Nội, một nhóm chuyên gia độc lập đã công bố báo cáo xếp hạng đại học Việt Nam mà nhóm vừa hoàn thành. Thành viên tham gia nhóm gồm 6 người: TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng); TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo); TS Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup (đề xuất dự án xếp hạng); TS Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh; bà Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN; và bà Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh.
Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014. Tiêu chí xếp hạng mà nhóm sử dụng gồm 3 nhóm: nghiên cứu khoa học (chiếm tỉ trọng 40%), giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Trong đó nhóm tiêu chí nghiên cứu chất lượng sử dụng thang đo là công trình khoa học đăng trên tạp chí qua học quốc tế có chất lượng thuộc danh mục ISI. Trong nhóm tiêu chí giáo dục và đào tạo, điểm đầu vào tuyển sinh của các trường cũng là một thang đo quan trọng (chiếm tỉ trọng 10% trong tổng thang đo).
Kết quả top 10 trường đứng đầu trong danh sách này lần lượt là ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, HV Nông nghiệp VN, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Các trường đại học thuộc khối kinh tế có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều học sinh giỏi (điểm thi đầu vào luôn thuộc top 10 - 30% của phổ điểm) đều có xếp hạng trung bình, như: Trường ĐH Ngoại thương (thứ 23), Trường ĐH Thương mại (thứ 29), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và HV Tài chính (thứ 40). Theo ông Hưng, nguyên nhân là do sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên). Các trường này sẽ cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt trong công bố quốc tế, nếu muốn vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng thời gian tới.
Nhóm trường y dược cũng không có trường nào nằm trong top 10. Trong nhóm này, Trường ĐH Y dược TP.HCM ở vị trí cao nhất, xếp thứ 18. Trường ĐH Y Hà Nội xếp thứ 20. Trường ĐH Dược xếp thứ 35. Cuối bảng xếp hạng (vị trí 49) cũng là một đại diện nhóm trường y dược: Trường ĐH Y dược Hải Phòng.
tin liên quan
300 trường đại học hàng đầu châu ÁTạp chí Times Higher Education (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2017, cho thấy có 300 trường lọt vào danh sách này.
Số liệu không đáng tin cậy?
Ngay trong cuộc tọa đàm công bố báo cáo xếp hạng, một số đại biểu đã trực tiếp bày tỏ những nghi ngại của mình trước kết quả vừa được công bố. TS Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia TP.HCM), cảnh báo về tính chất "con dao 2 lưỡi" trong việc xếp hạng đại học nói chung, cũng như với kết quả xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên này.
Theo TS Ly, vấn đề quan trọng liên quan tới kết quả xếp hạng là dữ liệu. Đặc biệt, dữ liệu ở đâu ra và kết quả tin cậy đến mức độ nào thực sự là một vấn đề của Việt Nam. Trong số nguồn dữ liệu của nhóm, có một nguồn quan trọng là báo cáo của các trường. Trong khi đó theo một chuyên gia kiểm định thì báo cáo tự đánh giá của các trường chắc chắn là không đúng. Các báo cáo này đúng đến mức độ nào thường phụ thuộc vào trình độ của những người phụ trách việc báo cáo của nhà trường.
"Nếu chúng ta xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên những số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy. Nếu kết quả không đáng tin cậy thì hệ quả là gì? Chúng ta đang có một bức tranh nó đang tốt xấu lẫn lộn, có thể những người làm tốt được nhìn nhận, những người làm không tốt, nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu. Đó là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ và phải đương đầu", bà Ly cảnh báo.
Bà Ly cũng cho rằng bản thân các tiêu chí cũng có vấn đề. Ví dụ việc đo lường kết quả khoa học bằng bài báo ISI, bằng chỉ số trích dẫn, thì cũng có vấn đề. “Trong cơn sốt xếp hạng, người ta đua nhau trường nào cũng có thật nhiều bài báo, kết quả là đi “mua cầu thủ”, hoặc đạo văn, hoặc là vô vàn cách, để mà tăng cái con số xuất bản của các trường”, bà Ly nói.
TS Tạ Hải Tùng, Trường đại học bách khoa Hà Nội bày tỏ những băn khoăn về chất lượng dữ liệu. Thực tế hiện nay là ngay cả cái tên của các trường đại học chưa được chuẩn hóa, vì thế cùng một trường nhưng có rất nhiều tên khác nhau khi được dịch sang tiếng Anh. “Khi các anh tổng hợp thông tin xong thì có công bố công khai để các trường vào kiểm tra lại? Các anh cũng có nói rằng sau khi thu thập dữ liệu, các anh gửi lại thông tin cho các trường nhưng chỉ một số trường hồi âm. Liệu ngày mai, khi báo chí đưa ra bảng xếp hạng này, các trường mới cấp tập gửi thông tin lại thì liệu nhóm có cập nhật bảng xếp hạng?”, TS Tùng đặt câu hỏi.
TS Nguyễn Đức Dũng, Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ, Trường đại học bách khoa Hà Nội thì cho rằng bằng cảm nhận trực quan cũng có thể thấy rằng việc trường mình không nằm trong top 20 trường có điểm cao nhất trong tiêu chí quản trị và cơ sở vật chất là vô lý, trong khi những trường khác kém hơn nhiều lại được lọt vào danh sách đó.
Bình luận (0)