Hiện nay, không ít người trẻ kinh doanh các lĩnh vực như: ăn uống, làm đẹp, bán quần áo... phải trả mặt bằng phố, rồi thuê những căn nhà trong hẻm với giá rẻ hơn để tiếp tục làm ăn.
“Giá mặt bằng chỉ có lên chứ làm gì mà giảm”
Chị N.T.L (31 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM), chia sẻ trước đây chị có 2 chi nhánh trà sữa trên mặt tiền đường 3 Tháng 2 và Lê Văn Sỹ, với giá thuê một mặt bằng hơn 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, tổng doanh thu của quán liên tục sụt giảm, chị L. rơi vào tình cảnh phải dẹp tiệm.
Yêu nghề, sợ người thân bạn bè chê cười, nên chị L. chọn cách chuyển quán vào hẻm 40 Trần Quang Diệu, Q.3, TP.HCM. “Mình thu nhỏ quán lại, chủ yếu bán online, khách đến ngồi cũng ít. Mình còn cắt giảm nhân viên lẫn bảo vệ để tiết kiệm chi phí”, chị L. cho hay.
Giải mã cuộc ‘tháo chạy’ khỏi mặt bằng đắc địa giữa trung tâm thành phố
Sau hơn 1 tháng liên tục đi xem mặt bằng trong hẻm, khắp các quận trung tâm ở TP.HCM, chị Siti Zubaidah (người gốc Malaysia, ngụ Q.8, TP.HCM), kinh doanh ở lĩnh vực gọi đầu dưỡng sinh, đã chốt được một căn nhà giá rẻ trong hẻm 763B Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM… Tại đây, chị sử dụng tầng trệt với diện tích hơn 40m2, còn những tầng trên có người khác thuê, mỗi tháng chị chỉ tốn gần 8 triệu đồng tiền thuê nhà.
Chị Siti Zubaidah cho hay trước đây chị thuê cửa tiệm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, rộng 70m2, 2 tầng, hơn 30 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian kinh doanh, khách không ổn định nên chị trả mặt bằng. “Chủ nhà không giảm tiền thuê mà còn nói thách rằng giá mặt bằng chỉ có lên chứ làm gì mà giảm”, chị tâm sự.
Rồi chị Siti Zubaidah chia sẻ: “Để thuê một mặt bằng trong hẻm ưng ý, mình và bạn bè, người thân phải tìm kiếm nhiều nơi, đăng bài vào các nhóm cho thuê nhà, mặt bằng trên Facebook. Mình thấy một số nơi ở trong hẻm sâu hay cụt thì giá vẫn cao, hơn 15 triệu đồng mỗi tháng, trong khi diện tích chỉ vỏn vẹn từ 20 – 25m2”.
Trong khi đó, cũng là người phải chịu sức ép từ mặt bằng phố với giá “trên trời”, Lê Ngọc Nữ (26 tuổi), phải "chui" vào ki ốt trong phố đi bộ đêm Kỳ đài Quang Trung (trước chợ Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM) để bán ốc tươi các loại.
Ngọc Nữ tâm sự: “Trước đây mình và người bạn hùn để thuê mặt bằng ở đường Cô Bắc, Q.1, nhưng giá thuê ngày càng tăng cao do đó chúng mình không trụ lại được, phải tìm một nơi mới. Nhưng mình thấy việc tìm kiếm một mặt bằng giá rẻ, rộng là một điều hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay".
Ki ốt nơi Ngọc Nữ mua bán ốc tươi rộng 200 m2, giá thuê hơn 13 triệu đồng/tháng, chỉ hoạt động từ chiều đến gần 22 giờ.
Vì sao nhiều thương hiệu rời bỏ mặt bằng ‘vàng’ ở Hồ Con Rùa?
Đẩy mạnh bán trực tuyến
Trên thực tế, không ít người trẻ kinh doanh trong hẻm vẫn đạt được doanh thu cao nhờ vào việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến.
Do lượng khách mua ít, doanh thu ngày càng sụt nên chị Nguyễn Anh Chi (35 tuổi), hiện đang kinh doanh cỏ lau khô ở TP.HCM phải trả mặt bằng trên đường Lê Quang Định (diện tích 5x12m, giá gần 40 triệu đồng/tháng) rồi thuê lại căn nhà 11/10 Đỗ Phúc Thịnh, P.12, Q.Gò Vấp (5x17m, 3 lầu, giá chỉ 15 triệu đồng/tháng) để tiếp tục làm ăn.
“Dù cửa hàng mình nằm ở mặt tiền đường Lê Quang Định, dòng người qua lại rất đông, tuy nhiên khách đến mua không thấy đâu, cộng thêm với giá thuê “chua chát” nên mình không trụ nổi trong vòng vài tháng", chị Anh Chi cho hay.
Sau khi thay đổi mặt bằng, doanh thu bên cửa hàng chị Chi tăng hơn 70%. “Thuê nhà trong hẻm, không chỉ giá rẻ mà còn có không gian rộng rãi. Với 3 lầu, mình tận dụng trưng bày sản phẩm, làm kho, nơi sinh hoạt ngủ nghỉ… Số tiền tiết kiệm được khi thuê mặt bằng hẻm mình đầu tư chạy quảng cáo trên các mạng xã hội, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử”, chị Chi nói.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Thu Ngân (29 tuổi), chủ cửa tiệm ở 285/70 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, TP.HCM, cho hay dù chọn mặt bằng trong hẻm nhưng doanh thu bán hàng vẫn ổn định.
“Mình chủ yếu tập trung bán hàng online, cùng nhân viên livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng như: Facebook, TikTok... nhờ thế doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng”, Ngân bộc bạch.
“Khi cửa hàng có tệp khách riêng thì địa điểm bán ở đâu không phải là vấn đề. Ngoài ra, để thu hút khách thì mình luôn nhập mới các sản phẩm quần áo, tích cực chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội, tạo ra nhiều chương trình tri ân khách hàng…”, Thu Ngân chia sẻ.
Xem nhanh 12h ngày 16.6: Bản tin thời sự toàn cảnh
.
Bình luận (0)