Blockchain ngày càng xuất hiện nhiều trong những câu chuyện thường ngày của một bộ phận người Việt. Khi thị trường tiền điện tử có biến động, họ nhắc tới blockchain nhiều hơn nhưng đang có sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này.
Bitcoin hay các loại tiền điện tử chỉ là một trong số các ứng dụng của blockchain |
afp |
Thực tế, blockchain (chuỗi khối) có thể xem là một nền tảng công nghệ rộng lớn. Hình dung đơn giản thì đây nơi thông tin được phân cấp, lưu trữ trong những "khối" (block) được liên kết (chain) với nhau, mã hóa và có khả năng mở rộng theo thời gian. Các khối này liên kết để chống lại việc tự ý thay đổi dữ liệu. Bất kỳ thông tin nào muốn thay đổi sẽ cần sự đồng ý của toàn bộ chuỗi.
Theo ông Phạm Thế Trường - nguyên Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, khái niệm blockchain được manh nha từ những năm 1991 và thực sự ra đời từ khoảng 2008. Công nghệ này du nhập sớm vào Việt Nam và nổi lên trong lĩnh vực tài chính, tiền điện tử. Ông cũng không ngại xác nhận bản thân từng nhầm lẫn blockchain là nói về đồng tiền ảo, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn thì nhận ra đây là nguyên lý mới hoàn toàn để thu thập, lưu trữ, vận hành dữ liệu, mang lại sự an toàn và có tính công khai, minh bạch.
"Blockchain không chỉ là tiền điện tử, mà còn là phương pháp giúp con người, tổ chức, doanh nghiệp giao tiếp, giao dịch với nhau. Có thể nói đây là nền tảng của rất nhiều nền tảng mà trên đó con người làm, giải quyết nhiều công việc khác nhau", ông Trường giải thích. Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, thời gian qua Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nghiên cứu blockchain và đạt thành công trong các lĩnh vực từ thanh toán tới bất động sản, không còn là câu chuyện của tiền mã hóa.
Lý giải thêm về hiện tượng người Việt đang nhầm lẫn về blockchain với tiền điện tử, đồng sáng lập kiêm CEO của Kardia Chain - Huy Nguyễn nói: "Hầu hết ứng dụng của blockchain đang phát triển lại nằm trong mảng tiền mã hóa, GameFi, DeFi. Mọi người vẫn có cái nhìn tiêu cực với blockchain vì công nghệ này ở Việt Nam đang ứng dụng quá nhiều vào tài chính, mà nói dính tới tiền bạc, người ta có thể mất tiền khi đổ vào đầu tư dù chưa hề tìm hiểu kỹ, dễ dẫn đến việc cho rằng blockchain nhiều rủi ro, là thứ tiêu cực".
Hiện nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng blockchain vào hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản, thể thao... "Chúng ta không thiếu tính ứng dụng công nghệ này trong các ngành nghề khác như nông nghiệp, chuỗi cung ứng", ông Huy chia sẻ thêm.
Blockchain mang lại nhiều lợi ích về quản trị, bảo mật và minh bạch thông tin |
afp |
Trao đổi thêm với Thanh Niên, tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) đánh giá blockchain đang có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam, bắt đầu với thị trường tiền mã hóa. Nhưng trong các doanh nghiệp ông biết đang ứng dụng công nghệ này, tuy nhiên cộng đồng không dễ thấy điều đó. "Nội tại doanh nghiệp đã triển khai rồi. Ví dụ Apple, Microsoft, Amazon, IBM đều ứng dụng nhưng cộng đồng không có nhiều thông tin. Họ dùng blockchain cho truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo hiểm... mà không hề liên quan tới tiền mã hóa", ông nói.
Vì thực tế trên, lãnh đạo VBU nhìn nhận người Việt đang chủ yếu thấy đồng tiền mã hóa chính là "blockchain" bởi đó là cơ hội mà họ có thể tiếp cận, trải nghiệm trong thị trường. Còn về phần doanh nghiệp thì ứng dụng cho hoạt động của họ mà không cần truyền thông câu chuyện này, làm vì mục đích giảm chi phí, tăng hiệu quả lao động.
Lấy ví dụ trong ngành sản xuất, blockchain đang chứng tỏ những lợi ích khi giúp minh bạch trong lịch sử giao dịch hàng hóa, theo dõi hoạt động sản xuất dễ dàng, bảo vệ tài sản trí tuệ, đơn giản hóa quá trình bảo vệ, kiểm tra chất lượng và cho phép doanh nghiệp dùng máy móc để kiểm soát quá trình bảo trì. Tuy nhiên, một trong những nhược điểm là công nghệ còn tốn kém và cần nhiều công sức vận hành ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, việc vận hành, ứng dụng blockchain vẫn cần đầu tư lớn và có thể gây tốn kém hơn về chi phí, công suất thu được.
Ông Huy Nguyễn đánh giá: "Nhiều doanh nghiệp lớn, có khả năng tài chính và nghiên cứu mới nên đầu tư vào. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đối mặt với rủi ro đầu tư khá lớn".
Bình luận (0)