Startup blockchain Việt mong ngày 'về quê'

21/04/2022 15:44 GMT+7

Nhiều startup trong lĩnh vực blockchain của Việt Nam đang chờ đợi chính sách và cơ chế để dễ dàng đặt trụ sở tại quê hương thay vì ra nước ngoài như hiện nay.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sôi động tại Đông Nam Á trong hoạt động startup cũng như lĩnh vực blockchain. Tuy nhiên, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn đang trong cảnh "ly tán" khi nhân sự, hoạt động kinh doanh diễn ra trong nước nhưng trụ sở công ty, đăng ký thành lập lại ở nước ngoài.

Ban điều hành Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) thuộc VDCA tại Hà Nội

anh quân

Hiện nay có khoảng 10 startup Việt ở lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD, một số được xem là "kỳ lân" với giá trị trên 1 tỉ USD. Trong Top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5 - 7 công ty do người Việt sáng lập.

Tại lễ ra mắt Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) diễn ra sáng 21.4 tại Hà Nội, ông Trịnh Công Duy, sáng lập viên Bizverse World kiêm lãnh đạo Metaverse Village nhận định gần như 100% các "kỳ lân" khởi nghiệp Việt Nam ở mảng blockchain đều đang đặt văn phòng tại nước ngoài, mà cụ thể là Singapore, thay vì trong nước. Không chỉ Singapore, Hàn Quốc cũng nổi tiếng với các quy định ngặt nghèo khi đăng ký doanh nghiệp nhưng vẫn cho phép công ty đặt văn phòng tại đây và hoạt động kinh doanh ở nơi khác.

"Chính phủ nên sớm có chính sách, cơ chế để doanh nghiệp blockchain trong nước vừa có thể đặt trụ sở vừa hoạt động tại Việt Nam", ông Duy đề xuất. Ngoài vấn đề về khung pháp lý cụ thể đối với doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, người đứng đầu Bizverse World còn cho rằng việc đặt trụ sở ở nước ngoài giúp các công ty dễ dàng gọi vốn hơn và Việt Nam cần có hành động kịp thời để tạo lợi thế trong vấn đề này.

Trao đổi tại sự kiện, các chuyên gia là lãnh đạo của nhiều tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam, người đứng đầu tổ chức công nghệ đều cho rằng không thể kéo dài tình trạng vì chưa có khung pháp lý mà doanh nghiệp trong nước phải ra nước ngoài thành lập, đặt trụ sở rồi hoạt động chờ cho tới khi những chính sách được thông qua và đi vào thực tiễn.

"Nếu chúng ta cứ chờ pháp lý, chờ cấp phép thì thế hệ sau vẫn có thể chảy máu chất xám, con em chúng ta vẫn buộc phải ra nước ngoài đăng ký công ty", Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) Nguyễn Đình Thắng quan ngại.

Giữ vai trò là thành viên Ban cố vấn của VBU từ khi đơn vị này thành lập vào tháng 12.2021, ông Thắng mong muốn cơ quan quản lý đẩy nhanh xây dựng hành lang pháp lý cho blockchain càng sớm càng tốt. Nếu điều kiện trong nước chưa phù hợp để ứng dụng hay kinh doanh thì có thể tính hướng cấp phép công ty blockchain đặt trụ sở tại Việt Nam nhưng hoạt động ở thị trường nước ngoài đang cho phép lĩnh vực này.

Ông chia sẻ: "Cần tách bạch giữa nơi công ty đăng ký kinh doanh và địa điểm hoạt động kinh doanh. Nếu 2 nơi này khác nhau thì Việt Nam cũng có thể trở thành nơi quy tụ khởi nghiệp như Singapore, hút doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn hoạt động theo luật pháp quốc tế".

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch VBU (VDCA)

Anh quân

Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện ra mắt VBU, tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - Trưởng Lab Blockchain kiêm Chủ nhiệm VBU đánh giá blockchain đang có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Sau tiền điện tử, thị trường bắt đầu xuất hiện những xu hướng mới như NFT, NFT hóa nội dung, tác phẩm nghệ thuật, dự án bất động sản nhưng đó là bề nổi, còn trong doanh nghiệp đang ứng dụng rất nhiều mà cộng đồng chưa nhìn thấy và thực tế, blockchain không chỉ là tiền mã hóa như mọi người đang biết tới.

"Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Microsoft, Google, Amazon, IBM... hay doanh nghiệp Việt Nam đều ứng dụng blockchain. Công nghệ này có rất nhiều tính ứng dụng khác nhau như giúp truy suất nguồn gốc, bảo hiểm, chuỗi cung ứng hàng hóa... mà không liên quan tới tiền điện tử", ông Tuấn chia sẻ thêm.

Lãnh đạo VBU lý giải thêm, người dùng chủ yếu thấy tiền mã hóa là blockchain bởi đó là cơ hội mà họ có thể tiếp cận, trải nghiệm và tham gia trong thị trường. Blockchain không dừng lại ở đó mà công nghệ này còn đang góp phần đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu trong một thế giới mà mọi thứ phụ thuộc vào nguồn thông tin này, không còn giấy tờ, văn bản để đối chiếu. "Blockchain giúp đảm bảo rằng những tổ chức, thậm chí cá nhân đang sở hữu dữ liệu không thể tự ý can thiệp để thay đổi những nội dung này nhằm tạo lợi ích cho mình", theo tiến sĩ Đặng Minh Tuấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.