Đó là chia sẻ từ ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC tại Diễn đàn thường niên lần thứ 16: Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 - Vietnam Economic Scenarios do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức ngày 11.1, tại Hà Nội.
Theo ông Ahmed Yeganeh, HSBC đã nhìn thấy sự phục hồi từ các đối tác thương mại của Việt Nam trong năm 2024 và ngân hàng này vẫn duy trì tâm thế lạc quan, tham vọng về triển vọng của Việt Nam trong những năm tới.
Cụ thể, vị chuyên gia của HSBC cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa gia tăng và tầng lớp trung lưu cũng đang tăng nhanh. Theo đó, Việt Nam có lợi thế với lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ để đón nhận những cơ hội từ những nền tảng mới, cách làm việc, tương tác mới. Nguồn nhân lực trẻ đang là lợi thế giúp Việt Nam duy trì là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Một kết quả tích cực dễ thấy nhất là lĩnh vực thương mại điện tử đã tăng trưởng gấp đôi trong giai đoạn 2018 - 2022, từ 8 tỉ USD lên 16 tỉ USD. Dự báo năm nay, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng lên 20 tỉ USD.
Ông Ahmed Yeganeh cho rằng, vượt qua các nền kinh tế ở châu Á, Việt Nam đang có thay đổi nhiều nhất về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản trị giá trên 250.000 USD. Dự báo đến năm 2023, Việt Nam cùng với 5 nước châu Á gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh nằm trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu. Theo đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ tăng trưởng không ngừng, đây chính là một động lực tăng trưởng, sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Chuyên gia của HSBC cũng nhấn mạnh, là điểm đến của các dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang được hưởng lợi nhiều hơn so với nhiều nước trong khu vực, trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu đối với hàng điện tử. Theo đó, giá trị xuất khẩu điện tử tăng trưởng nhanh. Cụ thể năm 2018, giá trị xuất khẩu điện tử chỉ chiếm 5% trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 30%.
Ngoài ra, nỗ lực số hóa, chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay đang thổi một luồng gió mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể cung cấp giải pháp trên nền tảng công nghệ nhằm cải thiện hệ thống hiện tại trong nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistics… Gần đây nhất, Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam đến năm 2025 đạt quy mô giá trị 45 tỉ USD.
Chuyển đổi số, kinh tế xanh là tương lai của Việt Nam
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Việt Nam cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi này.
Theo bà Dorsati Madani, Việt Nam cần sử dụng công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang năng lượng sạch như gió, mặt trời... Đối với lĩnh vực tài chính, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh.
"Tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và kinh tế xanh. Nhưng để đi đến tương lai đó, Việt Nam cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Người dân, thế hệ trẻ, các thế hệ lao động phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về xu hướng này", bà Madani nói.
TS Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times, chia sẻ Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 đã thành công rực rỡ khi đề cập về bối cảnh quốc tế, một mặt nhiều rủi ro bất định nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội để Việt Nam khai thác, tiếp tục phát triển. Qua các ý kiến của chuyên gia tại diễn đàn thì nền kinh tế Việt Nam không chỉ nhận diện được những nguy cơ, rủi ro sắp tới mà còn thấy cả những cơ hội để làm mới các động lực hiện có, thúc đẩy thêm những động lực mới trong tất cả lĩnh vực.
Bình luận (0)