“Tôi cho rằng phải nuôi con bằng sữa mẹ, hoàn toàn trong 6 tháng đầu mới gọi là tốt, trong khi chị ta cho rằng không thể tốt bằng việc cho ăn cả sữa công thức và sữa mẹ. Thế là chúng tôi cứ người viết câu này, người viết câu khác, cuộc tranh luận không có hồi kết, nhiều người cũng 'nhảy' vào ý kiến thêm, chỉ trích tôi. Tôi quá mệt mỏi và đã khóa tài khoản của mình lại”, chị Đ.T.N, 29 tuổi, nhân viên văn phòng, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Câu chuyện của chị Đ.T.N không phải hiếm gặp. Anh L.M.T, 35 tuổi, thợ cơ khí tại Bình Dương cho hay chỉ vì tranh luận về cách chăm sóc hoa phong lan, anh và một người lạ, chưa từng gặp mặt nhau cứ tranh cãi hàng giờ trên Facebook.
“Tôi tranh cãi mất cả buổi trưa, trong khi với thời gian đó tôi có thể đi ngủ hoặc xem phim, nghe nhạc thay vì cứ thấp thỏm chờ thông báo xem anh kia nói gì”, anh T. thuật lại.
Chị Đỗ Ngọc Bích, 28 tuổi, làm việc tại Hà Nội, quản trị viên của một số diễn đàn trên mạng xã hội, cho hay bản thân chị từng tham gia tranh luận trên các hội nhóm, fanpage, Facebook cá nhân, Facebook người khác… “Mọi không gian trên mạng xã hội có thể trở thành nơi có thể tranh cãi được. Tôi chỉ tranh luận đến những vấn đề mà mình quan tâm như dinh dưỡng, môi trường, cách chăm sóc con”, chị Bích nói.
Theo chị Bích, cảm giác sau các cuộc tranh luận không phải lúc nào cũng có sự khó chịu. Có những cuộc tranh luận đã cho chị nhiều thông tin mới, nhận ra cái sai của bản thân, có thêm người bạn mới, người thầy mới.
“Tôi nghĩ rằng việc tranh cãi bằng cách 'comment' trên mạng xã hội cũng giống như ngoài đời vậy, bởi quan điểm của mỗi người không giống nhau. Tuy nhiên theo tôi nên tranh luận văn minh, cái cần quan tâm nhất là kết quả, sau cuộc tranh luận đó mình được gì. Tôi cho rằng tranh luận hữu ích sẽ mang cho mình tri thức, nó rất khác với việc thấy một chủ đề nào đó đang nóng sẽ nhảy vào 'ném đá trên mạng' thể hiện bức xúc”.
Mới đây, trang Daily Dot đề cập tới vấn đề tranh cãi trên Facebook. Trang này gợi ý: Khi bạn định bỏ ra hàng giờ tranh luận với bạn bè, người lạ thông qua phần “comment” của bài đăng, hãy cân nhắc tắt máy tính xách tay, tắt màn hình điện thoại.
|
Trang này dẫn ra nghiên cứu mới của Đại học California Berkeley và Đại học Chicago (Mỹ), hãy lắng nghe và đối thoại trực tiếp, thay vì tranh cãi bằng con chữ.
Nghiên cứu này cho rằng, nếu bạn lắng nghe, quan sát người đó nói chuyện trực tiếp với mình, khả năng bạn bác bỏ luận điểm của người đó sẽ giảm đi đáng kể, dù trong nhiều trường hợp, từ ngữ được sử dụng giống nhau.
Còn theo chị Đỗ Ngọc Bích, để có thể sử dụng mạng xã hội hiệu quả, tránh mua thêm stress, bực tức khi tranh cãi, người sử dụng cần có thói quen kiểm tra thông tin khi tiếp cận tin tức được lan truyền.
“Mỗi người cũng cần tìm hiểu tư duy phản biện, văn hóa tranh luận, cân bằng giữa cảm xúc, lý trí khi tranh luận. Mỗi người có thể tự hạn chế tranh cãi trong các diễn đàn, hội nhóm mình cảm thấy không phù hợp để tránh xa nơi ồn ào, dành thời gian tới những nơi có hàm lượng tri thức cao hơn”, chị Bích tư vấn.
Bình luận (0)