Nhiều nước châu Âu, Thái Lan tạm ngừng dùng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca

12/03/2021 11:19 GMT+7

Hàng loạt quốc gia châu Âu và Thái Lan tuyên bố tạm ngừng triển khai vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) như một biện pháp đề phòng vì một số người bị chứng máu đông sau khi tiêm chủng.

Trong buổi họp báo ngày 12.3, ông Piyasakol Sakolsatayadorn, cố vấn thuộc ủy ban vắc xin Covid-19 của chính phủ Thái Lan, cho biết: “Tuy chất lượng của vắc xin AstraZeneca là tốt nhưng các nước châu Âu đã tạm ngừng sử dụng. Do đó, chúng tôi cũng tạm hoãn triển khai vắc xin này. Tiêm vắc xin cho người dân Thái Lan phải đảm bảo an toàn, chúng ta không cần phải vội vàng".
Tuyên bố được đưa ra sau khi Áo, Đan Mạch, Estonia, Iceland, Latvia, Lithuania, Luxemburg, Na Uy, Romania và Ý quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca vì các trường hợp tử vong và bị máu đông sau khi tiêm chủng. Riêng Bộ Y tế Pháp tuyên bố “không cần” phải tạm hoãn triển khai vắc xin AstraZeneca.

Nhiều nước ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca

Mới nhất là cơ quan quản lý dược phẩm Ý AIFA ngày 11.3 quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca thuộc lô hàng ABV2856. Lô hàng ABV2856 khác với lô bị Áo đình chỉ vào ngày 8.3. Trong khi đó, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) lại đặt tên là ABV5300.
Ý vẫn ra quyết định trên dù thông báo là không có mối liên hệ nào giữa vắc xin AstraZeneca và một số người bị đông máu vài ngày sau khi tiêm. "Sau khi có báo cáo về một số trường hợp bị đông máu nghiêm trọng... Chúng tôi quyết định ban hành lệnh cấm sử dụng lô hàng ABV2856 trên toàn quốc như một biện pháp đề phòng", theo thông báo của AIFA.
Trước đó, cơ quan y tế Áo đã đình chỉ chương trình tiêm chủng vắc xin AstraZeneca như một biện pháp đề phòng trong lúc điều tra nguyên nhân một nữ điều dưỡng 49 tuổi tử vong và một nữ điều dưỡng khác bị thuyên tắc phổi sau khi tiêm vắc xin này.
Vào ngày 11.3, EMA thông báo kết quả cuộc điều tra sơ bộ cho thấy lô vắc xin AstraZeneca được sử dụng ở Áo có khả năng không phải là nguyên nhân khiến nữ y tá tử vong. Theo báo cáo điều tra sơ bộ của EMA, có 30 trường hợp bị máu đông trong số 5 triệu người ở châu Âu đã được tiêm vắc xin AstraZeneca.
Tuy nhiên, EMA cho biết thêm không có dấu hiệu nào cho thấy vắc xin AstraZeneca gây ra chứng máu đông và các nước có thể tiếp tục sử dụng vắc xin này trong khi chờ kết quả cuối cùng của cuộc điều tra.

Vắc xin ngừa Covid-19 AstraZeneca được nhập về Việt Nam công hiệu ra sao?

Ngoài các nước châu Âu, cơ quan y tế Hàn Quốc hôm 8.3 đã “kết luận không chắc chắn” rằng không có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca với 8 trong số 11 người bị tử vong sau khi tiêm chủng.
Chính phủ Anh cũng đã lên tiếng bảo vệ vắc xin AstraZeneca. AFP ngày 11.3 dẫn lời một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Chúng tôi đã rõ ràng rằng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca vừa an toàn vừa hiệu quả..., và khi mọi người được yêu cầu tiêm phòng thì hãy tự tin tiêm chủng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.