Tháng 10.2020, HĐND TP.HCM bầu ông Lê Hòa Bình làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Sau đó, ông được Thường trực UBND TP.HCM phân công phụ trách lĩnh vực đô thị, là lĩnh vực luôn cần phải sâu sát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, với một số chồng chéo trong quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư mà thực tiễn cấp bách đòi hỏi phải thông suốt vì mục tiêu phát triển chung…
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình |
sỹ đông |
Nhiều cán bộ, công chức ở TP.HCM chia sẻ rằng, từ ngày ông Lê Hòa Bình làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM và tiếp đó là Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM phụ trách chính khối đô thị, thì tần suất các cuộc họp buổi tối tăng dần, bởi khối lượng công việc rất lớn. Có nhiều hôm, đến 23 giờ đêm ông mới rời khỏi trụ sở UBND TP.HCM. Những cuộc họp quá muộn như vậy, tổ hậu cần của Văn phòng UBND TP.HCM đều chuẩn bị bánh mì, bánh bao… để “tiếp sức” cho các thành viên dự họp đến từ sở ngành, quận huyện...
Liên quan đến đầu tư các dự án giao thông chiến lược - một trong những nhiệm vụ cấp bách cho mục tiêu phát triển bền vững của một siêu đô thị khoảng 13 triệu dân như TP.HCM, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng bày tỏ sự khâm phục trước một lãnh đạo tâm huyết như ông Lê Hòa Bình - đã chỉ đạo quyết liệt, hết lòng vì công việc và giải quyết được rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đô thị. “Anh Bình quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, từng công việc. Các dự án trọng điểm như đường vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng QL50, đường nối Trần Quốc Hoàn, 2 tuyến đường sắt đô thị…, bất kể ngày đêm cần sự chỉ đạo thì anh Bình xử lý ngay”, ông Bằng chia sẻ.
Theo phân công của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, bên cạnh phụ trách lĩnh vực đô thị, ông Lê Hòa Bình cũng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 4 địa bàn: TP.Thủ Đức, Q.Phú Nhuận, H.Bình Chánh và H.Hóc Môn. Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, cho hay dấu ấn của Phó chủ tịch Lê Hoà Bình với quận là một người lãnh đạo đầy nhiệt huyết và trí tuệ, “cháy” hết mình trong công việc, luôn năng nổ và quyết đoán trước các vấn đề dân sinh, đời sống xã hội của TP. Ông Lê Hòa Bình đã quan tâm sâu sát đến hoạt động của quận bằng cả tấm lòng, sự thông cảm, thấu hiểu và luôn đồng hành, hỗ trợ quận trong những lúc khó khăn với tấm lòng và tâm huyết vì dân, vì sự nghiệp chung phát triển.
3 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu HĐND TP.HCM, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nói rằng bản thân có cảm tình rất tốt với ông Lê Hòa Bình. Theo đánh giá của vị đại biểu này, ông Bình là một cán bộ có năng lực thực sự, chuyên môn vững vàng, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn. Sâu sắc hơn, đó là sự nhạy bén, tinh thần trách nhiệm cao, luôn đau đáu tìm giải pháp phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh; để từ đó chính quyền tăng hiệu lực và hiệu quả quản trị, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng được nhiều tiện ích, thuận lợi.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình kiểm tra tiến độ và công tác phòng dịch Covid-19 tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 hồi tháng 7.2021 |
sỹ đông |
Vị đại biểu này nhận định sự ra đi đột ngột của Phó chủ tịch Lê Hòa Bình là tổn thất lớn đối với TP.HCM, vì có một lãnh đạo vừa giỏi chuyên môn, hết lòng với công việc không phải chuyện dễ dàng.
Nói về một trong nhiều kỷ niệm nhớ nhất, TS Thắng cho biết có một vụ việc khiếu nại về đất đai của một người dân ở H.Nhà Bè hơn 20 năm chưa được cấp sổ đỏ, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo vẫn chưa giải quyết. Hồi tháng 8.2021, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM, khi đại biểu đặt vấn đề thì ông Bình tiếp thu rất nghiêm túc, và còn nhận khuyết điểm vì chưa giải quyết thấu đáo cho người dân.
“Điều đó làm tôi hơi ngạc nhiên. Thay vì thoái thác, hứa hẹn thì ông Bình lại nhận lỗi về mình. Đó là cách ứng xử của một người lãnh đạo luôn vì tập thể, vì cái chung, vì lợi ích chính đáng của người dân”, TS Thắng nói. Và sau phản ánh của đại biểu HĐND, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình đã giao Sở TN-MT xác định giá đất để sớm hoàn thiện hồ sơ làm sổ đỏ cho người dân.
Bình luận (0)