Công trình xây dựng chưa có giấy phép
Lao động Trung Quốc làm việc không phépLiên quan đến việc xây dựng công trình này, ngày 14.1, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng cho biết thời điểm tháng 10.2019, Công ty TTC Lâm Đồng có xin phép để lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình cầu đáy kính. Sở đã hướng dẫn cho công ty làm các thủ tục cần thiết để cấp phép, tuy nhiên đến thời điểm bị phát hiện công trình xây dựng chưa có giấy phép thì Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng vẫn chưa cấp phép sử dụng cho 27 lao động Trung Quốc tại công trình này. Thế nhưng tại thời điểm kiểm tra (ngày 13.1) thì số lao động này đã không còn ở địa phương.
|
|
Trước đó, UBND P.8 (TP.Đà Lạt) và đoàn kiểm tra của TP.Đà Lạt đến Khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình yêu, kiểm tra việc xây dựng cầu đáy kính nối khu vực “Vườn cây mê cung” (KDL Thung lũng Tình yêu) với khu vực “Vườn thơ Hàn Mặc Tử” (KDL Đồi mộng mơ) đã phát hiện công trình này chưa được cấp giấy phép xây dựng. Cụ thể, cầu đáy kính 7D đang thi công có chiều dài 221,5 m, rộng 2,09 m, khoảng cách giữa hai đỉnh trụ tháp là 255 m,
với 2 mố neo rộng 10 x 15 m, chiều cao 10 m; 2 trụ đỡ có kích thước 8 x 8 m, cao 20 m. Thời điểm kiểm tra, công đoạn kéo dây neo và kéo dây đáy kính sắp hoàn thành. Đoàn kiểm tra còn phát hiện tại công trình có 6 cây thông ba lá bị đốn hạ trái phép, trữ lượng 1,1 m3, thiệt hại 270 m2 rừng phòng hộ.
Đại diện Công ty TTC Lâm Đồng cho biết việc xây dựng cầu đáy kính được sự chấp thuận và ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng qua Văn bản số 83/TB-UBND ngày 19.4.2019, cũng như Văn bản số 1961/ SKHĐT-XD ngày 25.11.2019 của Sở KH-ĐT và Sở Xây dựng Lâm Đồng. Tuy nhiên do nóng lòng muốn đưa sản phẩm du lịch mới này vào phục vụ du khách dịp Festival Hoa 2019 và Tết Canh Tý nên công ty vừa xây dựng vừa làm các thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Nhiều công trình du lịch sai phạm nhưng xử lý không triệt để
Không chỉ công trình cầu đáy kính sai phạm khi triển khai xây dựng, trong vài năm qua nhiều công trình xây dựng ở các dự án du lịch thuộc Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt) cũng vi phạm. Cụ thể, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh loạt bài Băm nát hồ Tuyền Lâm, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Qua kiểm tra, có 10 doanh nghiệp (DN) sai phạm trong việc triển khai xây dựng dự án như: không tuân thủ quy hoạch, các quy định về xây dựng; xây dựng công trình sai phép, không phép, xây dựng trên đất lâm nghiệp, nằm ngoài ranh giới dự án, xâm phạm khu vực bảo vệ số 1 của di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Đơn cử Công ty CP Thiên Nhân, có nhiều hạng mục công trình thi công không có giấy phép, thi công sai giấy phép; sau đó cho thuê biệt thự, chuyển nhượng quyền sử dụng biệt thự dài hạn trái quy định của pháp luật. Công ty CP đầu tư Lý Khương nhiều lần bị cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm khu vực 1 di tích hồ Tuyền Lâm. Công ty CP đầu tư Lan Anh xây dựng 2 nhà rường không phép, sau khi bị phát hiện, được hướng dẫn làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, xin phép xây dựng đối với công trình sai phạm. Công ty này còn ngang nhiên xây dựng kè chắn một phần nhánh hồ bằng bê tông cốt thép kiên cố. Chỉ khi báo chí phản ánh thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc buộc đập bỏ kè chắn... Qua đây cho thấy việc quản lý trật tự xây dựng tại các dự án du lịch ở Lâm Đồng thiếu chặt chẽ, khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý thiếu triệt để.
Bình luận (0)